tính và lý do tới công đường.”
Bà lão cúi gập người vái huyện lệnh, bắt đầu thưa, “Bẩm đại nhân, dân phụ
là Lương Âu Dương thị, quả phụ của Lương Di Phụng, sinh thời lão gia của
dân phụ là một thương gia ở Quảng Châu.”
Mới đến đây hai hàng nước mắt bà trào ra, bật khóc nức nở, thân hình gầy
yếu rung lên bần bật.
Bà nói phương ngữ Quảng Châu khiến Địch Nhân Kiệt phải vất vả đôi chút
mới nghe hiểu. Hơn nữa, bà hoàn toàn không thể trình bày tiếp lời thỉnh
cầu, thế là ông liền ngắt lời bà, “Bản quan không muốn để lão phu nhân
này phải đứng lâu như vậy. Chốc nữa ta sẽ nghe bà thưa chuyện trong thư
phòng.”
Đoạn, Địch Nhân Kiệt quay sang lão Hồng, “Lão đưa Lương Âu Dương thị
vào khách sảnh và cho người dâng trà.”
Sau khi bà lão đi khỏi, Địch Nhân Kiệt giải quyết nhanh vài vụ án thông
thường, rồi tuyên bố bãi đường.
Tại thư phòng, Hồng sư gia đang đợi huyện lệnh.
“Bẩm đại nhân,” lão nói, “lão phu nhân này có vẻ chưa hoàn toàn trấn tĩnh.
Sau khi uống một chén trà, bà tỏ ra minh mẫn hơn và cho lão phu biết gia
môn đã bị hãm hại ra sao. Sau đó bà lại khóc nấc lên và nói năng lẫn lộn.
Lão phu đã mạn phép cho gọi một lão nô bà trong phủ để chăm sóc an ủi
lão nhân tội nghiệp kia.”
“Lão đã làm đúng. Chúng ta sẽ đợi cho đến khi bà lão hoàn toàn bình tĩnh
lại thì mới có thể nghe bà ta nói được. Trong đa số trường hợp, tai họa của
những người như thế này thường chỉ do bệnh gàn của họ nghĩ ra. Tuy nhiên
không một ai đến đây mà lại bị đuổi về khi ta chưa được nghe kỹ câu
chuyện của họ.”