minh cảnh giác, ngoài ra không còn gì khác. Những chi tiết khác mà tôi còn
nhớ được là cái cổ áo bằng vải gai khiêm tốn với chiếc hoa tai vàng duy
nhất. Một lần nữa, lại không hề có tay. Ngoài ra còn có những bức họa
khác, những bức chân dung đáng nghi ngờ hơn nhiều với mái đầu hói được
kết hợp với những trang phục hoa hòe hoa sói - áo satin đỏ thắm có những
đường xẻ với khuy bạc hay áo sẫm màu thêu kim tuyến dát bạc và vàng.
Nhưng đều là chân dung từ vai - hay cùng lắm từ khuỷu tay - trở lên.
Không có bức tranh nào trong số này chỉ đi đâu cả.
“Thế còn những bức tượng thì sao?” Ben hỏi.
Tôi lắc đầu. Bức tượng gần với sinh thời của tác giả duy nhất là bức tượng
trên mộ của ông tại Stratford. Tôi đã trông thấy một bản copy của bức
tượng chỉ mới chiều hôm đó, trong phòng đọc lớn của thư viện Folger. Một
khuôn mặt tròn trĩnh như khuôn mặt của Charlie Brown, với vẻ mặt thể
hiện vẻ vui nhộn hay tự mãn, tùy theo suy tưởng của người quan sát. Bức
tượng cầm cây bút và tờ giấy trắng đã sẵn sàng, tựa lên một chiếc đệm.
Nhưng sẵn sàng để làm gì? Bức tượng trông giống với một viên thư kí sẵn
sàng nghe đọc chính tả hơn là một thiên tài đợi chờ cảm hứng.
“Ít nhất bức tượng đó cũng có tay” Ben nói.
“Nhưng chúng không chỉ đến đâu cả”.
“Bức tượng đó có cùng thời với tác giả không?”
Tôi ngồi xuống. Tôi mới chỉ cho rằng… nhưng tất nhiên, bức tượng này chỉ
cần đủ lâu đời để Ophelia và có thể cả Jem có thể trông thấy nó. Còn bức
tượng nào khác của ông hay không? Một hình ảnh lờ mờ màu xám và trắng
chợt hiện lên trong đầu tôi. Cẩm thạch trắng, hậu cảnh màu xám…
“Westminster Abbey”.
Chúng tôi há hốc miệng nhìn nhau một hồi từ hai phía chiếc bàn. “Góc
‘Các Thi Sĩ’” , Ben nói. “Bức tượng đó chỉ tay vào cái gì?”
“Có thể là một cuốn sách. Hay một cuộn bản thảo. Tôi không rõ nữa”.
Ben đặt tách trà xuống. “Nếu đó là thứ cô cần, tôi sẽ đưa cô tới London.
Kiểu gì chúng ta cũng phải qua Heathrow để tới Henley - Nhưng cảnh sát
có thể cũng đã xác định Góc Các Thi Sĩ là một mục tiêu nữa, nếu vậy ở đó
sẽ có một nhân viên bảo vệ”.