chim cú nhồi rơm, da mốc đen sì càng làm cho nơi này trở nên huyền bí
hơn.
Giá như không có tiếng kéo bễ phì phò tại một bếp than hồng gần đấy,
thì có lẽ cũng khó mà nhận ra một người giúp việc còn trẻ, hai tay áo xắn
cao, mặt đầy mồ hôi nhễ nhại đang nai lưng ra làm. Bên cạnh cũng đủ cả
kìm, kẹp nom tựa tựa như một lò rèn nhưng cạnh đấy lại có cối, chầy,
thuyền tán, bình, chậu... để trên một cái ghế dài.
Trong một chiếc nồi cất, nước vẫn sôi sùng sục. Đôi mắt nhà giả kim
thuật vẫn không rời khỏi cái muôi, hết đổ nó vào bình này lắc lắc; ông ta lại
chuyển sang một cái bình khác để khuấy trộn. Thỉnh thoảng ông ta lại giở
sách ra tra cứu mà sách càng bày la liệt trên bàn đủ các loại dày, mỏng, to,
nhỏ.
Những lúc mệt mỏi, nhà giả kim thuật lại ngả lưng tựa vào chiếc ghế
bành, tay sờ vào bộ râu rậm. Rồi ông ta lầm rầm đọc thần chú như cầu xin
một đấng thần thánh cao siêu nào đó phù hộ cho ông sớm luyện được ra
vàng.
Bi-ốt-ghe thấy vận may đã đến với anh. Mình làm việc ở hiệu thuốc
thì thiếu gì chai lọ, bình để pha chế để tìm ra hòn đá triết lý. Trước việc cậu
bé giúp việc xin ngủ lại ở ngay hiệu thuốc, lão chủ thấy chẳng có gì là
phiền toái cả: hiệu thuốc đến đêm đóng cửa, Bi-ốt-ghe cứ lấy mấy tấm ván
ra kê ở giữa nhà mà ngủ cũng chẳng có sao! Hơn nữa, nó lại trông nhà cho.
Vả lại Bi-ốt-ghe tiếng là học việc đấy nhưng thật ra công việc chủ yếu
của nó là rửa chai lọ, quét dọn nhà cửa và làm tất cả công việc vặt trong
nhà y như kẻ hầu người hạ vậy. Tối đến nhà có khách, có sai nó ra đầu phố
mua cân thịt quay hay chai rượu, chắc cũng chẳng khó khăn gì.
Từ ngày Bi-ốt-ghe tới ở hiệu thuốc, Lão chủ cũng phải công nhận đó
là một cậu bé hiếu học, tối nào cũng chong đèn đọc sách tới khuya. Hôm
nào không đọc sách thì Bi-ốt-ghe tắt đèn đi ngủ sớm chứ không chơi bời, la
cà ngoài phố như đám trẻ hư hỏng khác.