Tất cả chúng ta đều biết rằng trẻ em có rất nhiều năng lượng. Chúng bộc lộ
điều đó theo nhiều cách khác nhau. Một số đứa thì chạy loăng quăng, một số đứa
lại nặn tượng hay vẽ tranh, một số đứa chơi trò chơi và giải câu đố, một số lại
nhảy múa và hát hò. Tất cả chúng đều tìm cách để vận động chân tay. Bản chất
tự nhiên của trẻ là chạy nhảy, nô đùa chứ không phải là ngồi yên và im lặng, vậy
thì tại sao lại không sử dụng năng lượng đó để giúp chúng học tiếng Anh?
Khi trẻ em được tham gia vào một hoạt động học tập có liên quan đến thể
chất, chúng sẽ ghi nhớ bài học đó tốt hơn. Như thể chúng có một con đường ghi
nhớ về thể chất cũng như tinh thần vậy. Một phần vì trẻ vẫn đang học một số kỹ
năng về thể chất trong những năm đầu đời mà chúng sẽ cần cho cuộc sống sau
này, nên chúng vẫn dễ tiếp thu khi học theo cách kết hợp với hoạt động thể chất.
Các giáo viên và những nhà giáo dục học thường bàn luận về việc làm thế
nào để một đứa trẻ phát triển được “những kỹ năng vận động thô” và “những kỹ
năng vận động tinh”. Những kỹ năng vận động thô bao gồm việc phối hợp tay và
mắt để ném hoặc bắt lấy đồ vật, đi xe đạp hoặc nhảy mà không ngã. Những kỹ
năng vận động tinh bao gồm việc học cách sử dụng dao, kéo, cài khuy áo, dùng
bút chì màu tô các hình mà không bị nhem nhuốc, tập viết hoặc thắt nút. Chắc
chắn tất cả chúng ta đều nhớ là để thắt một cái nút không gì dễ bằng tự mình làm
thử hơn là chỉ nghe và xem!
Nói là một hoạt động phức hợp, bởi vậy “học thông qua thực hành” giúp trẻ
dễ đạt được kỹ năng này hơn là chỉ nghe và nghe không thôi. Ngôn ngữ sẽ đạt
đến độ tương thích hơn nếu chúng ta có thể sử dụng nó để hồi đáp những người
xung quanh hoặc kết hợp nó với một hoạt động thể chất nào đó.
Lấy từ “ball” làm ví dụ để thấy điều này rõ ràng hơn. Nếu một đứa trẻ nhìn
thấy một tấm flashcard có hình quả bóng và nghe thấy từ “ball”, trong đầu chúng
sẽ có một ấn tượng kết nối bức hình với âm thanh.
Tuy nhiên, nếu đứa trẻ đó có thể ôm một quả bóng màu đỏ rực trong tay, ném
nó lên, để nó rơi hoặc đập nó nảy lên, thì ký ức về từ đó sẽ cụ thể hơn và thực tế
hơn. Nếu một đứa trẻ có thể chơi trò ném bóng với đứa trẻ khác hoặc với người
khác, thì từ đó và hình ảnh được kết nối với một trải nghiệm được chia sẻ. Càng
có nhiều giác quan được sử dụng thì nó sẽ trở thành một ký ức bao hàm hình
ảnh, âm thanh và cảm giác. Khả năng trẻ nhớ được từ “ball” cao hơn rất nhiều,
vì những hoạt động này định dạng nên một ký ức sâu sắc hơn khi được liên kết
giữa hoạt động và quan sát.