Không biết người nghe nghĩ gì
Có thể nhìn thấy đôi mắt họ, nhưng bạn không biết họ đang nghĩ gì. Giả
sử có một khán giả đứng lên rời khỏi phòng, bạn sẽ lập tức cảm thấy hụt
hẫng, dù thực ra có thể người này ra ngoài để đi vệ sinh. Hoặc cũng có thể
có những thính giả tỏ vẻ lơ đãng khiến bạn cảm thấy không biết những gì
mình nói có làm cho họ phật ý và phản đối hay không. Trong những trường
hợp như thế, bạn sẽ cảm thấy lo lắng, thậm chí run sợ, và trở nên mất tự tin.
Tôi không có năng khiếu nói
Khả năng nói trước đám đông là một thứ năng khiếu bẩm sinh? Hoàn
toàn không phải như thế! Đương nhiên, có một số rất ít người “sinh ra để
làm diễn giả,” nhưng phần lớn diễn giả đều nhờ quá trình trau dồi mài giũa
mà trở nên tài ba, xuất chúng.
Có thể nói ngay rằng, khả năng nói trước công chúng phụ thuộc phần lớn
vào công khổ luyện, không phải vào năng lực bẩm sinh, dù tất nhiên nếu
bạn có khiếu nói bẩm sinh (thuộc về năng lực ngôn ngữ và lập luận trong
mô hình đa dạng trí thông minh Multiple Intelligence Test của Howard
Gardner1) thì quá trình tập luyện sẽ đỡ vất vả hơn đôi chút. Biết gia
công tập luyện, ai cũng có thể nói tốt trước công chúng.
Tưởng tượng ra những điều tiêu cực
Trí tưởng tượng của bạn thường “dội bom” tiêu cực ồ ạt trong lúc bạn
chuẩn bị nói trước đám đông.
Bạn thường hình dung ra những tình huống tồi tệ nhất: đứng trên sân
khấu, đầu gối bạn như muốn quỵ xuống, hơi thở gấp gáp, giọng nói run rẩy,
chữ được chữ mất, cách đi đứng lóng ngóng vụng về, hệt như anh hề trên
sân khấu.
Tám bí quyết gia tăng sự tự tin