gọn thôi” mà thấy không có thì giờ chuẩn bị cho tốt, bạn cũng nên từ chối.
“Vài lời ngắn gọn” ấy sẽ để lại ấn tượng xấu nếu bạn nói dài dòng, thiếu
mạch lạc, rời rạc, không có ý gì cả. Đối với nhiều người, việc đứng trước
đám đông, dù chỉ nói vài lời ngắn gọn, cũng có thể gây cảm giác lo lắng và
run sợ không khác gì việc đứng nói cả buổi với một bài thuyết trình đã soạn
sẵn.
Việc chuẩn bị trước có thực sự là điều quan trọng cần để ý đến hay
không? Chắc chắn rồi. Theo một số nghiên cứu, việc chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ
giúp làm giảm đến 75% cảm giác run sợ khi đứng trên sân khấu. Vì thế,
việc đầu tư thì giờ và công sức để chuẩn bị bài thuyết trình là cách khá hữu
hiệu để giảm thiểu lo lắng và nâng cao sự tự tin.
3. Dùng tự thoại tích cực
Hầu hết các nhà tâm lý đều cho rằng hành động tự thoại tích cực sẽ giúp
gia tăng đáng kể sự tự tin của mỗi con người. Bạn phải xác tín và liên tục tự
nhủ rằng bạn sẽ nói chuyện thành công, rằng người nghe sẽ tích cực hưởng
ứng bạn. Hãy tự nói với mình rằng: “Tôi là người tự tin, bởi hơn ai hết, tôi
hiểu rõ những gì mình sẽ trình bày. Tôi là chuyên gia, và khán giả sẽ chăm
chú nuốt lấy từng lời của tôi.”
4. Thả lỏng cơ thể
Có thể nhận thấy ngay nỗi lo lắng, run sợ của nhiều diễn giả qua ngôn
ngữ cơ thể của họ trên sân khấu. Không có khán giả nào nghĩ bạn tự tin khi
nhìn thấy cơ thể bạn căng cứng với cử chỉ, động tác hệt như một chú robot.
Để giải quyết điều này, khi bước ra sân khấu, bạn hãy hít thở sâu, buông
lỏng cơ thể. Hãy tiến ra sân khấu với bước đi khoan thai nhưng dứt khoát;
hãy tỏ ra hào hứng với cuộc nói chuyện này. Hãy đứng thẳng người, hai
chân vững vàng trên đất; giao tiếp bằng mắt với khán giả, và thường xuyên
mỉm cười. Điều này giúp bạn vừa cảm thấy tự tin, vừa thể hiện ra trước mắt
mọi người hình ảnh tự tin đó.