Bạn nên biết rằng cả những diễn giả chuyên nghiệp thường xuyên nói
trước công chúng cũng phải vật lộn với những căng thẳng nhất định; và đó
là một dấu hiệu cho thấy bạn là diễn giả đích thực.
Có câu chuyện vui kể rằng tại một cuộc hội thảo nọ, một phụ nữ bước
vào phòng và thấy diễn giả đang đi tới đi lui với dáng vẻ thể hiện trạng thái
bồn chồn, sốt ruột. Chị bèn hỏi diễn giả xem tại sao ông lại tỏ ra lo lắng như
thế. “Ý chị là gì? Ai lo lắng chứ?” - diễn giả đáp lại. “Nếu không lo lắng,”
chị này nói tiếp, “thế ông đang làm gì trong căn phòng dành riêng cho nữ
này?”
+ Sức mạnh của bí mật: Việc đứng nói trước đám đông có thể là hành
động công khai nhất; tuy nhiên, bạn vẫn có thể giữ được một chút riêng tư
cho mình. Bạn không phải thể hiện ra nỗi lo lắng, bồn chồn; bạn có thể giữ
nó yên trong lòng.
Sẽ chẳng lợi gì khi cho người khác thấy bạn đang lo lắng; nếu cố tỏ ra tự
tin bằng hành động, tự khắc bạn cũng sẽ bắt đầu có cảm giác tự tin trong
lòng. Hiếm khi nào diễn giả chuyên nghiệp tỏ ra vẻ bồn chồn lo lắng, dù
trong lòng họ có đang hốt hoảng, hãi hùng.
Bạn đừng quá quan tâm đến sự lo lắng của mình khi đứng trước đám
đông; hãy biết rằng đó là cảm giác thường tình, và khán giả sẽ không biết
bạn đang lo lắng đến độ nào và cũng sẽ chẳng để ý nhiều đến điều đó.
+ Hãy hình dung: Nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ thể hiện không tốt trên sân
khấu, cũng như sẽ bị người nghe chống đối, thì chắc ngay từ đầu bạn sẽ
mang tâm thế tự vệ, và nhận thấy trạng thái tự vệ nơi bạn, khán giả sẽ khó
lòng đón nhận bạn.
Ngược lại, hãy hình dung trước trong đầu những hình ảnh tích cực về
việc bạn sẽ thể hiện tốt nhất bài thuyết trình của mình, thì dần dần bạn sẽ tự
tin và sẽ đạt được điều mình muốn. Hãy nhắm mắt lại, tưởng tượng ra hình
ảnh những khán giả thân thiện, tích cực và hào hứng đón nhận bạn cùng với
những gì bạn nói.
Trong kỹ thuật hình dung, yếu tố cốt lõi là việc kiểm soát hình ảnh bạn
có trong đầu về bản thân; đừng để những suy diễn tiêu cực về thái độ và
hành động của người nghe làm méo mó đi hình ảnh đó.