của mình cho phù hợp, mà còn làm cho người nghe có cảm tưởng rằng bạn
là một thành viên đích thực trong số họ.
Tâm lý chung của người nghe
Là diễn giả, bạn phải có kỹ năng lôi kéo người nghe vào câu chuyện của
mình. Thậm chí khi người nghe đang tập trung chú ý lắng nghe, thì điều đó
cũng không có nghĩa là họ sẽ hiểu nội dung đúng như bạn muốn họ hiểu.
Tuy đến để nghe bạn nói, nhưng họ nghe bằng bộ lọc của riêng họ, họ tự ý
lựa chọn nội dung phù hợp để nghe. Thực tế là con người thường nghe và
tiếp nhận các ý tưởng trong một bài nói chuyện dựa trên sự chủ quan, tức là
chỉ thích thú đón nhận những gì có ý nghĩa và có can hệ đến giá trị, niềm tin
của mình mà thôi.
Chẳng hạn, trong buổi hội thảo du học do một Trung tâm Du học nọ tổ
chức, một đại diện của trường đại học nước ngoài đứng lên trình bày trước
các học sinh trung học và phụ huynh về những tiện ích khi theo học tại
trường của anh ta. Như thường lệ, anh ta thao thao trình bày rằng trường
mình có đầy đủ trang thiết bị học tập thuộc hàng đẳng cấp thế giới, các giáo
sư danh tiếng tham gia giảng dạy, hệ thống thư viện khổng lồ. Tuy nhiên,
các phụ huynh đang tham dự lại không mấy quan tâm đến điều này. Đến
phần hỏi đáp, có một phụ huynh đứng lên nêu câu hỏi: “Trường của anh
thật hiện đại và chất lượng, nhưng các anh làm gì để con cái chúng tôi được
an toàn, yên tâm học tập?”
Sở dĩ phụ huynh này nêu câu hỏi ấy là vì mới tháng trước đó thôi, báo
chí đưa tin rầm rộ về chuyện một sinh viên ngoại quốc đang theo học tại đó
bị sát hại. Rút kinh nghiệm, ở cuộc hội thảo một tuần sau đó, ngoài việc
giới thiệu về những tiện ích, anh ta còn dành một khoảng thời gian đáng kể
để trình bày về những biện pháp an ninh, những công tác cụ thể nhằm đảm
bảo an toàn tối đa cho mọi sinh viên ngoại quốc theo học tại đó. Và chỉ
trong chốc lát, anh đã có được sự tập trung lắng nghe của các vị phụ huynh
và học sinh tham gia hội thảo, khác với thái độ thờ ơ anh nhận được ở lần
hội thảo trước.