Và trong đầu Carlton lúc nào cũng tồn tại suy nghĩ rằng những con
người kia luôn chăm chắm bất kỳ hành động nào của mình. Thế là cậu ta nỗ
lực hết mình chỉ để nhận lấy sự khâm phục từ mọi người. Cậu ta gò mình
vào những khuôn mẫu được xem là chuẩn mực: sống cuộc sống vương giả,
xa cách với hàng xóm láng giềng, đi lễ nhà thờ vào mỗi Chủ nhật, diện
những bộ cánh sang trọng đắt tiền, lo cho con cái theo học ở những ngôi
trường tốt nhất.
Tất nhiên Carlton cũng sẽ sắm một chiếc thuyền khác, nó có thể to
hơn, đẹp hơn và chạy nhanh hơn con thuyền bị lật úp ngày nào. Nhưng tôi
cho rằng, dù đã đủ lớn để có thể làm chủ cuộc đời mình nhưng Carlton
không bao giờ có lấy một chút tự tin nào ở bản thân. Và khi cầm lái, thể
nào cậu ta cũng sẽ gặp vấn đề khi đi cùng với cơn gió.
Cậu ta luôn tìm kiếm, tìm kiếm không ngừng cảm giác an toàn khi đi
theo chiều gió nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể tìm được nơi nào thực sự cho
cậu ta cái cảm giác như đang được ở nhà. Tôi thực sự cảm thấy tiếc cho
Carlton Oldfield, nếu như có dịp gặp lại cậu ta lần nữa, tôi sẽ nói với
Carlton duy nhất một câu: “Hãy để cho bản thân mình tự do!”.
Tôi biết rằng có những ông bố luôn để con trai mình tự do, và có
những người mẹ luôn cho phép con gái mình làm theo những gì nó muốn.
Nhưng tôi cũng biết rằng điều đó rất hiếm khi xảy ra, vì những bậc làm cha
làm mẹ luôn luôn dõi theo con cái mình bằng tất cả sự kiên nhẫn, như thể
họ có quyền điều khiển cuộc đời của con cái họ ngay từ lúc chúng ra đời.
Và trách nhiệm ấy được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà
không cần biết rằng bất kỳ ai được sinh ra trong cuộc đời này cũng đều có
một khả năng tiềm ẩn, một sức mạnh bên trong để tự mình giải quyết được
những khúc mắc trong cuộc sống.