Nguy hiểm khi đổi lái nhầm cũng như trong phần lớn mọi việc khác,
là kết quả của sự cẩu thả và vô ý. Tôi có nhiều thời gian để suy ngẫm về
điều đó khi khoang thuyền của tôi được sửa chữa, cái cột buồm được đóng
lại và cái khóa được cài chốt trở lại đúng vị trí.
Thuyền trưởng nhìn thấy con thuyền của tôi trong xưởng đóng tàu,
ông gọi tôi từ trên mũi chiếc Nimrod vươn qua dải nước hẹp: “Chuyện gì
xảy ra thế?”
“Cháu nhầm lái, cháu không cố ý.”
“À”, ông bảo, “Lái thuyền cùng với gió, nghe có vẻ dễ. Cơn gió căng
tràn trong cánh buồm và thổi cậu đi thẳng về phía trước. Cậu ngoảnh mặt
chỉ một lúc để ngắm lằn nước và thế là cái sào căng buồm bay vèo...”
“Cháu biết”, tôi khẽ đáp, “cháu biết vậy mà.”
Nhưng, sự thực là, tôi đã không biết điều ấy, và trong cuộc sống đã
khá nhiều lần tôi nhận ra mình nhầm hướng trước khi tôi hiểu rằng cuốn
theo chiều gió là một hành trình đầy nguy hiểm. Như bao người khác, tôi
cứ ngỡ rằng thật dễ dàng để nghỉ ngơi, chìm vào sự yên tĩnh đang bao trùm
quanh mình khi thuyền lắc lư trong gió nhẹ.
Cho đến khi ngộ ra rằng trạng thái nửa tỉnh nửa mê ấy chính là điều
nguy hiểm nhất, tôi đã thức tỉnh mình ra khỏi sự chủ quan và nắm chặt vận
mệnh của mình trong tay. Một trong những việc đầu tiên tôi cần làm là từ
bỏ công việc mà mình không thích, mặc dầu tôi làm việc đó để kiếm tiền,
và gia nhập hàng ngũ những người tự làm việc mà không có ông chủ nào
cả.
Tôi muốn được hoàn thành tâm nguyện, thực hiện những ước muốn
bấy lâu luôn âm ỉ trong lòng, nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc tôi
sẽ phải tự lo các khoản tiền như bảo hiểm xã hội hay tự trả lương cho mình.