Tiếng động này chỉ có thể nghe thấy ngay trước khi con thuyền đi vào
vùng đất cứng. Tôi cảm thấy mình quả là may mắn vì nếu không nhanh trí
nhảy ra và đẩy thuyền đi tới thì tôi sẽ bị mắc cạn trong vòng sáu tiếng tới.
Tôi sẽ phải đợi cho đến tận khi thủy triều lên để thuyền lại có thể nổi được.
Tôi tự nhủ rằng chắc hẳn thể nào cũng có một cách tốt hơn, một hệ
thống cảnh báo chẳng hạn, để ngăn ngừa những tình huống tương tự có thể
xảy ra. Nhưng tôi cũng không biết dụng cụ đó là cái gì nữa. Tôi đã từng
nghe về loại dụng cụ đo độ sâu bằng điện, nhưng tôi vẫn ngờ ngợ không
biết nó có thật không nữa. Mà dù có thật hay không thì một cái thuyền đơn
giản như thuyền của tôi có mơ cũng chẳng có được nó.
Một ngày mưa phùn, khi đi thơ thẩn quanh xưởng đóng tàu, tôi gặp
chú Simmy Baker. Tôi hối hả dồn bước về phía chú để kể cho chú nghe
chuyện con thuyền của mình bị mắc cạn trên dải cát ở đảo Bờ Tây. Chú
Simmy đã từng buôn rượu lậu trong những ngày cấm bán rượu hồi ấy,
(hoặc nếu không thì đó cũng là những thùng nước ngọt quanh Vịnh Biển).
Điều này khiến chú trở thành người hùng trong mắt tôi thuở ấy. Tôi hình
dung rằng một người buôn rượu lậu thì sẽ biết cách đi qua vùng nước nông
và phẳng giỏi hơn bất kỳ người nào khác.
Và tôi hy vọng chú có thể truyền lại cho mình chút ít kỹ năng đi biển,
trong hoàn cảnh luôn phải “qua mặt” các thuyền tuần tra. Trong lúc tôi kể
lại sự việc, chú đăm đăm quan sát bầu trời, như thể muốn tìm một tín hiệu
nào đó dự báo ngày mai là một ngày đẹp trời. Khi câu chuyện đi đến hồi
kết thúc, đôi mắt chú nhìn thẳng vào tôi: “Con thuyền của cháu ấy mà”, chú
bảo, “nó có một tấm ván giữ cho thuyền không bị trôi dạt và một cái sống
thuyền nữa chứ hả?”.
“Vâng, có ạ”, tôi trả lời mà không hiểu chú đang muốn đề cập đến vấn
đề gì. “Nữ hoàng” màu xanh của tôi là một thực thể hỗn hợp, được thiết kế
đặc biệt cho những vùng nước nông như ở trên vịnh Đại Nam này. Phần lớn