Guma chẳng nói gì. Cậu ưa cái luật của đất cảng không cho phép chơi
dao trừ khi kẻ địch đông hơn. Bất kỳ ai vi phạm luật ấy chỉ là đồ rác rưởi
trong suy nghĩ của cậu.
Một tuần sau người ta tìm thấy Rodolfo nằm ngoài bãi cát, mặt mày bầm
dập, không dao, không quần. Rufino đã thực hiện lời mình hứa.
Anh thích Rufino từ khi còn đi học. Mồ côi cha, lớn lên nhờ mẹ, Rufino
không đi học được lâu. Cậu cũng chẳng học được gì nhiều ngoài chuyện
xăm hình mỏ neo, hình những trái tim bằng ngòi viết và mực xanh. Bị
Dona Dulce r la cậu chỉ toét miệng cười phơi hàm răng trắng cùng ánh mắt
hiền lành vô tội khiến cô Dulce cũng phải cười theo. Cậu thôi học để đỡ
đần cho mẹ và em gái, mang sức khỏe của đôi tay đi làm thuê cho mọi chủ
thuyền. Cậu là một tay chèo cực khỏe bởi khắp vùng cảng này chẳng ai có
được lòng tin như cậu vào Iemanja. Chắc chắn một ngày nào đó cậu sẽ có
được chiếc thuyền của chính mình, điều cậu luôn nguyện cầu vào dịp lễ
Thánh Mẫu, và cậu đã dâng bao nước hoa lên Đức mẹ Aioca (người da đen
gọi Iemanja như vậy) để giữ cho mái tóc của Người. Hẳn Người sẽ cho cậu
một chiếc thuyền vì trong các lễ hội mừng Người, cậu luôn là tay cuồng
nhiệt nhất. Ngày nào đó cậu sẽ trở thành oga, thầy phụ lễ trong những nghi
thức camdomblé của Người. Chàng da đen Rufino cười rất nhiều, uống
cũng lắm nhưng giọng hát trầm lắng của cậu lại khiến người ta phải khóc.
Rodolfo trông chẳng giống gì với người dân xứ. Một ngày nọ cha gã đến
đây mở tiệm tạp hóa, song chẳng thành công. Nhưng ông ta không bỏ đi mà
dựng một sạp trong chợ để bán các món hàng cho chợ phiên ở Agua dos
Meninos. Rodolfo ra đời và lớn lên thành một gã da trắng đẹp mã với mái
tóc suôn tém dầu bóng mượt. Lớn lên gã đã sớm từ bỏ con thuyền do cha
tậu cho, quay lưng lại với biển và sống không biết tận những đâu, thoắt ẩn
thoắt hiện. Đôi khi gã trở về với những món tiền to, đãi rượu khắp và gây
gổ ẩu đả ở quán “Sao hải đăng”. Lần khác gã lại hiện ra rách rưới tiều tụy