Nhờ thầy vẽ thêm hai cái vòng tròn ở ngoài cái chữ hổ, như nhốt con
cọp trong chuồng.
Lát sau, chú Hai buông A Ốn ra. Nó chạy mất ngoài đầu hẻm, mang
theo tiền bạc. Chú Hai nhắc bà Phò:
- Coi chừng A Ốn. Đừng đánh nó. Đi theo nó mà coi chừng.
Sau khi thị oai với con nít, tôi về nhà, sửa soạn đi dạo phố. Khi về,
được hay tin: A Ốn đã nhập học, tại trường tư thục Chí Thanh, vào buổi xế.
Mấy người dì, người chú của A Ốn đã chọn ngày lành tháng tốt, mua sắm
cho đứa cháu cưng nào giấy, vớ, cặp da, thêm cái “kết” bằng vải ka ki. Bà
Phò cho biết:
- Thầy Hai ơi, “xí chảy” đi học rồi. Nó vui lắm, bận quần áo tốt lắm.
Tôi ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao A Ốn còn có tên là “xí chảy”, bèn
viết lên giấy, mấy chữ Vương An, bà Phò lắc đầu, mượn cây viết viết nhanh
lên giấy, hai chữ “tiểu tử”.
Đồng hồ trên vách gõ bốn tiếng. Vì có ý chờ đợi nên thỉnh thoảng tôi
nghiêng mình, trông ra cửa sổ, từ bên nhà tôi. Bà Phò nói vọng qua:
- Năm giờ, xí chảy mới về. Còn một giờ nữa, tôi đi rước nó.
Bỗng dưng ngoài đầu hẻm, tiếng khóc nhừa nhựa vang lên, mỗi lúc
càng to. Đúng là A Ốn, tại sao cậu ta lại khóc ré trong lúc chưa tan học?
Thím Hai - mẹ nó - mặt mày hầm hừ, nắm tay mà kéo lết nó. Trông A Ốn
thật buồn cười, thiểu não: đầu đội kết, gắn ngôi sao trắng kiểu Quốc dân
đảng, như ông tướng, hai chân mang loại vớ khá cao tận gối, nhuộm từng
khoanh đen đỏ xanh vàng, kiểu vớ dành cho “anh chị” múa lân dịp tết. Hai
sợi dây tréo quần sắp tuột, còn vướng víu trên vai. Và rõ ràng là không gài
nút quần.