nực cười, khen thầm sự dự đoán của cô Hai khi nãy. Khi gói xong quyển
quốc văn, nàng đem đến tủ tiền. Cô Hai thối tiền, chờ khách bước ra khỏi
tiệm rồi nói:
- Đổ đồng mỗi tuần lễ, ông ấy đến “điểm sách” ở tiệm mình chừng
mười bốn lần!
Một bài toán hiện ra trong trí của Huệ. Nàng vẫn thắc mắc:
- Mình mở cửa suốt tuần, trừ chiều chúa nhật, tất cả chỉ mười ba buổi
thôi.
Cô Hai vẫn cười:
- Ngặt nhiều buổi, ông ta đến viếng hai lần liên tiếp. Huệ hơi khó chịu.
Nàng nhận thấy câu nói của cô Hai ngụ ý mỉa mai, tàn nhẫn đối với ông
khách vô tội.
- Nếu vậy thì ông ta viếng cả mười lăm, mười sáu! Biết đâu buổi chiều
chúa nhựt hoặc lúc hừng sáng, đêm khuya, lắm khi, ông ta đi ngang Hoa
Hồng thư quán này, dừng lại đôi phút trước cánh cửa sắt đã khép lại, để
“coi cọp” trong tưởng tượng, phải không chị?
Nhờ bản chất ít nhiều thông minh, giàu lòng nhân đạo nên cô Hai cau
mày chợt hối hận trong phút giây. Huệ vừa cảm thấy mình vừa đắc thắng,
thắng một trận nhỏ. Nàng đã gợi ý cô chủ, gợi khéo léo vài ý niệm luân lý
mà cả hai hấp thụ ở nhà trường về sự công bình và lòng nhân đạo. Để cô
Hai khỏi nhột nhạt, Huệ quay mặt, đi vào phía trong với sự hãnh diện cỏn
con: nàng vừa bênh vực một kẻ vô danh! Rồi với tinh thần vô tư, nàng bắt
đầu theo dõi ông khách không bao giờ mua sách nọ. Tuổi của ông cũng tạm
xứng đáng cho nàng gọi bằng chú, bằng bác. Ông ta đọc chăm chú tất cả
các loại sách Pháp, sách Việt, thơ, tiểu thuyết đến các sách mỹ thuật, hội
họa... Sau khi xem vài trang, ông ta cẩn thận xếp sách, sắp đặt ngay ngắn
đúng vị trí cũ. Đối với những quyển sách quý, bọc giấy bông, dán kín mít