- “Ông cứ kéo ghế qua ngồi sát bên tôi! Câu chuyện như vầy. Khi
tôi mới khẩn đất hoang thì ở Mốp Giăng đã có sẵn, một cái miễu xiêu
vẹo, cất trên gò đất cao bên gốc cây bàng cổ thụ. Miễu thờ bốn năm cục
đá phủ vải đỏ bạc màu. Vì ít tin đồng bóng phù phép, tôi khuyên dân
chúng nếu ốm đau thì cứ uống thuốc, đừng cúng kiến vô ích. Năm đó,
một thiếu nữ bỗng nhiên nổi cơn điên xé quần áo, nói xàm, đi lang
thang. Vài ngày sau thi thể cô ta bỗng nhiên nổi lên, trôi tấp vào chiếc
cầu ván trước nhà tôi, một buổi sáng đại khái vào tháng Giêng năm
1937... Tôi xuất tiền mua hòm giúp việc ma chay. Sáng hôm sau, đến
lượt một người trong xóm nổi cơn điên chạy tới trước miễu nọ múa
men tay chân, tự xưng là Chúa Ngung, Ma Nương, vị thần đến khai
khẩn vùng đất Mốp Giăng từ ngàn năm về trước đã chết rồi hóa đá.
Thấy chuyện lạ tôi cầu xin Chúa Ngung, Ma Nương trình bày mọi thắc
mắc. Người ‘xác’ vào miễu dở tấm vải, chỉ ngay một tượng đá, bảo
rằng đó là tiền kiếp của mình. Pho tượng quá cũ, tạc hình một vũ nữ
đang uốn mình, đầu đội mão vuông, chân mang vòng, tay cầm thếp đèn
chong kiểu vũ nữ Chiêm Thành, Ấn Độ. ‘Xác’ lại ra lịnh cho tôi hằng
năm phải cúng kiến, mướn lại đất của Chúa Ngung, Ma Nương trong
vòng một năm. Thế là đứng về mặt tinh thần, tôi phải nhận mình là tá
điền của kẻ khuất mặt, mặc dầu tôi nghiễm nhiên là chủ điền. Tôi đồng
ý. Xác đòi ăn mắm sống, ăn xong ‘xác’ bảo tôi đem một tờ giấy trắng
để trước miễu rồi ‘xác’ hái bốn nhánh cây, chạy băng ngang đồng
ruộng suốt mấy chục cây số từ sáng tới xế chiều để cắm bốn nhánh cây
xuống ở bốn góc. Lạ thay, ‘xác’ cắm ngay ranh đất đúng như trong tờ
bằng khoán mà sở Quan thủ địa bộ đã cấp cho tôi.
Xác về miễu nhúng tay xuống bùn, áp vào tờ giấy rồi dạy tôi hằng
năm phải làm lễ như hôm ấy, gọi là lễ ‘tá thổ’. Bằng không dân làng
lần lượt phải bị Chúa Ngung, Ma Nương bắt chết như trường hợp
người thiếu nữ điên nọ”.