ưa, tuy rằng chung qui mình chỉ lo lắng cho họ để rồi mình hưởng rất
ít. Tôi muốn ông vào đây để tránh những câu nói đâm họng, làm “thối
chí anh hùng” của nhà tôi. Và cũng để đứa ở khỏi tò mò. Ông ráng giữ
bí mật. Ông quan tư Ca Rê lợi dụng, muốn nhờ tôi giúp cho vài món cổ
ngoạn của thị trấn Óc Eo ở chân núi Ba Thê. Tụi Tây khảo cổ xưa kia
chỉ mới đào bới sơ sài. Hồi năm một ngàn chín trăm bốn mươi mốt,
gặp giặc Nhựt Bổn, tụi nó bỏ luôn không dám trở lại. Mấy món đó xưa
trên một ngàn năm trăm năm, ông Ca Rê định kiếm vài kiểu đem về
Tây, tặng cho người tình nhân là bà bá tước De L... Đồng thời ông ta
muốn ghi chép vài phong tục địa phương mà giới khảo cổ chưa từng
nói tới. Hiện giờ ở Mốp Giăng, tại điền của tôi còn miễu thờ Chúa
Ngung, Ma Nương với pho tượng đá xưa và những người chuyên môn
“lên xác”. Nếu mình trình bày rõ rệt, đủ sức hấp dẫn tức nhiên ông Ca
Rê sẽ cao hứng mở cuộc hành quân cấp tốc tới Mốp Giăng để đóng
đồn... Nhơn dịp đó, uy thế của tôi đối với các tá điền nhứt định tăng
lên... Và ông Ca Rê sẽ đền ơn tôi xứng đáng, trong mức quyền hạn của
ổng. Chuyện Lộc Giác Chân Nhân đây này. Đọc đi. Trong khi đó, tôi
sắp xếp thứ tự. Bộ óc tôi cỡ này nôn nao, lộn xộn quá.
Chuyện Lộc Giác Chân Nhân rất ngắn, chiếm vỏn vẹn bốn trang
sách khổ nhỏ, trong quyển tập Cổ tích An Nam, in bên Pháp hồi năm
1926... Tay tôi hơi run run. Cái “áp phe” Mỹ Lâm này rõ ràng là vấn
đề máu lửa mà tôi và bọn lính Lê dương đều đứng trong cuộc, họ bắt
buộc đóng hẳn hòi những vai trò quan trọng. Tôi nhớ tới cái lon sữa bò
đầy gạo để cắm nhang trên trang thờ Thái Thượng Lão Quân. Lão Tư
Hiếm - con người vừa hiền hòa vừa bí hiểm - với vầng trán mặn mồ hôi
sẽ nghĩ gì? Rồi đây quân đội viễn chinh Pháp dùng xe, dùng tàu sắt
tiến vào Mốp Giăng giữa cảnh thiếu người, chỉ còn chuột, bưng sen với
hơn mười gia đình, trong ấy có người cùi người mù - nếu lão Tư Hiếm
không nói dối.