như vậy, vừa hư vừa thực, vừa vô lý nhưng vừa hữu lý, khán giả chịu
lắm. Chớ tuồng “Lầu ông Hoàng” của nhà tôi thật khó diễn quá.
Chẳng lẽ ông Công sứ thực dân với ông Hoàng đều là người thiện?
Khán giả bực mình.
Tôi lưỡng lự, hẹn về suy nghĩ rồi trả lời sau.
Bà Henri đưa tôi ra sân:
- Gấp lắm! Ông cứ hứa cho tôi mừng. Đừng nghe lời ổng. Gánh
hát này quyền hạn hoàn toàn do tay tôi nắm. Tôi định nhờ ông, từ cả
tháng nay.
- Bà nên tìm soạn giả khác, chắc ăn hơn.
- Nói gì chuyện đó. Vài soạn giả đã tới thương lượng rồi. Nhưng
ông à, ông tin tôi không? Bao giờ tôi cũng muốn giúp ông, xem ông
như em ruột trong nhà, cùng một quê quán.
Sực nhớ chuyện xưa, tôi bồi hồi cảm động:
- Tôi tin bà lắm chớ. Nếu hồi đó bà quên chú ý mở cổng thúc giục
tôi về gấp thì...
Bà cười giòn:
- Ông gợi lại chuyện “quốc sự”. Thôi đi. Tôi chẳng hân hạnh gì
khi nhớ tới quan tư Ca Rê. Phải nhà tôi đừng ghen bóng ghen gió, có lẽ
tôi giàu hơn bây giờ nhiều. Tôi đâu dám thi ơn với ông, buổi xưa đó.
- Đành vậy, nhưng nếu bà vô ý thì ngày nay...
- Ngày nay, thiên hạ cũng như vậy, ông à!