vẫn tiếp tục trải nệm, rót nước, dọn thức ăn rồi giũ nệm, rửa chén bát
như khi ông vẫn còn sống ăn uống tại đấy!
Nhưng cô tình nhân nọ lén tư thông với một người Pháp. Ông
Hoàng hay tin ấy bèn phái một thủ hạ từ Paris qua Phan Thiết. Tên
thủ hạ rình giết tại trận cả đôi gian phu lẫn dâm phụ rồi lên máy bay
về Pháp. Báo hại ông Công sứ Phan Thiết phải lo việc tống táng...
Bà Henri Nhan lắc đầu:
- Chuyện nực mùi thực dân, khó ăn khách... Tôi nói nhiều lần rồi.
Ông cãi lại:
- Bà không chịu thời thôi. Tôi có quyền thích chuyện đó!
- Bởi vì ổng tưởng mình là ông Hoàng! Phải không ông thi sĩ. Ông
tính sao mà nãy giờ cứ ngồi êm ru cười mím chi hoài vậy?
Tôi trả lời, tránh mọi hiểu lầm:
- Bà làm bầu gánh, quyền ấy của bà. Tuy nhiên, ý kiến của ông
cũng đúng. Muốn viết, cần phải cảm hứng, dùng nhân vật để giải tỏa
nỗi thắc mắc thầm kín của mình.
Bà nói:
- Vậy thì dễ quá. Ổng thắc mắc về cái vụ bị nghi oan giết người,
ngày xưa. Tại sao chẳng đem sự tích đó soạn thành tuồng cải lương,
xóa bỏ thù oán! Đôi trai tài gái sắc ở hai nước Ba Tư, Hy Lạp gì đó
hiểu lầm nhau, họ xua quân ra trận, rốt cuộc chàng và nàng bị thương
tích nhưng đôi trai gái gặp nhau, ăn năn hối hận. Rồi cả hai từ bỏ ngai
vàng điện ngọc, ra đi với mối tình cao thượng. Sẵn đây, tôi dám nhờ
ông thi sĩ soạn tuồng đó cho đoàn “Hương Sắc 65” của tôi... Nội dung