khi rửa lớp phấn son, cởi áo mão ra cất, các đào kép tiếp tục diễn... trò
đời hay lắm”. Bức màn nhung hạ xuống, bài tạm biệt trổi lên rồi tắt
hẳn. Bấy giờ, cô gái bảo: “Tôi theo chân cô đào Thiên Thai, dường như
ban nãy cô ta đóng vai tôi; còn bác cứ theo bà Henri...”
Lão cãi lại: “Tôi đi theo soạn giả Hoài Hương, bạn của tôi ngày
xưa, ổng đang đóng vai tôi đó”. Thế rồi họ đi, người một ngả. Lão Tư
Hiếm ghé quán nước kế bên rạp, chứng kiến cảnh bà Henri và tôi đang
tranh đấu thân mật. Bà ta than phiền: “Tuồng này thâu khá tiền
nhưng bà chủ nợ bỏ túi hơn phân nửa rồi. Tiền bản quyền soạn giả, xin
dành lại vài đêm”. Trong khi đó, cô con gái phi thân lẻn trốn vào
phòng the, tại tư thất của cô đào Thiên Thai. Cô đào khép cửa, soi
gương uốn éo cười với bóng dáng mình, lật tờ tuần báo xem ngay số tử
vi rồi mơ màng hôn nhẹ vào cái hình màu của chàng minh tinh màn
ảnh bên trời Âu nào đó, in ngoài bìa. Cô đào liền thay quần áo mát,
ngồi ăn một cái đùi gà luộc với vẻ mặt không mấy đói! Bấy giờ cô gái
ma mới hiểu cái tội lỗi tày trời của mình: Nhu cầu về ăn uống, nhu cầu
về xác thịt vốn là hai điều cấm kỵ. Tại sao xưa kia mình lại dại dột xúc
phạm sự cấm kỵ ấy trước mặt quan kinh lý và lính mã tà để mang lụy
vào thân? Phô trương cụ thể những nhu cầu ấy để làm gì, trong khi thế
nhân đã nâng nó lên hàng ngôn ngữ ác hại, dùng để nguyền rủa “Đồ
chết đói!” “Đồ đĩ thõa” cũng như “Đồ mắc dịch!”. Cô gái ma thở dài,
buồn bã trở thành kẻ mất hồn, bay về, khuất bóng lần lần trong lớp
sương giá lạnh - hơi thở của hàng trăm pho tượng đá khác còn bị chôn
lấp dưới lớp đất bùn của xứ Mốp Giăng vừa cổ kính, vừa đìu hiu!
Trong khi ấy, lão Tư Hiếm đi vẩn vơ theo lề phố vắng, với cái túi rỗng
và cái ống điếu bằng cây ớt hiểm, dáng điệu trông như vị tù trưởng bại
trận hồi thời Thái Cổ. Tiếng gà gáy chợt vẳng lên, từ chuyến xe nào
chở hàng tới chợ Cầu Ông Lãnh. Lão giựt mình, chạy trở về cho kịp
lúc hoàng hôn nơi địa phủ, để trầm mình nhanh xuống đáy biển - như
một hạt bụi bé bỏng nối tiếp bãi bùn ra Hòn Tre xa khơi.