trống rỗng hơn bao giờ hết - trống rỗng như một chai nước múc đầy
treo lơ lửng trên mặt đại dương bao la. Việc đầu tiên mà tôi cần giải
quyết: Nhờ các bạn đính chánh: soạn giả Hoài Hương đang soạn cho
đoàn “Hương Sắc” một vở tuồng đầy đủ... “Đông Phương tính” thay vì
“dân tộc tính”. Liệu các bạn ký giả và bà Henri sẽ phiền tôi không?
Thật là... sinh kế mới! Khó khăn mới! Tâm trí của tôi bừng sáng lên,
bất chợt một ý kiến quan trọng: “ Sanh kế mới, khó khăn mới cho
người sống và cho oan hồn kẻ chết nữa”. Lão Tư Hiếm đã chết thật
rồi! Lần trước, qua tay ông Henri và quan tư Ca Rê lão còn thoi thóp;
lần này với sự kinh doanh của bà Henri và sự yếu đuối của tôi, lão tắt
thở luôn. Nay mai có thể người chết uất ức hiện hồn về, đòi xem hát.
Tôi đưa tay ra dấu hiệu để xe ngừng tại cửa. Vừa lên gác trọ, tôi
vừa nói với bà chủ nhà:
- Mệt quá. Ai kiếm tôi bà cứ bảo rằng tôi ngủ, đừng đánh thức.
Rồi nằm lên ghế bố nhìn bó hoa héo, tôi thử hình dung khung
cảnh người chết đi xem hát. Đêm ấy, lão Tư Hiếm và cô gái nọ cỡi mây
cỡi gió đến rạp khi hay tin trên trần gian có người muốn nhắc nhở tới
sự tích của họ. Sân khấu quá sáng. Hai bóng ma của họ sợ hãi, nép
mình vào mái ngói như hai kẻ trộm. Cô gái lẩm bẩm: “Ta nên về. Đêm
nay họ diễn tuồng Ba Tư chớ nào phải chuyện ở Mốp Giăng”. Lão Tư
Hiếm đáp: “Tôi không lầm đâu. Chính đêm nay, tại rạp này mà.
Nhưng cớ sao tôi chưa hiểu mấy về cốt chuyện. Dường như thần Mặt
Trời Ba Tư là Chúa Ngung, Ma Nương ở Mốp Giăng!”. Cô gái cười:
“Ở cõi dương, tiếng nói và màu sắc đều khác hẳn với cõi âm”. Lão Tư
Hiếm lắc đầu: “Số đào kép cải lương này ngủ ban ngày rồi thức suốt
đêm như chúng ta. Có gì khác biệt đâu”... “Có chớ, họ uống nước lạnh
mà bảo rằng dự yến ẩm, dùng gươm bằng cây mà bảo rằng thanh kiếm
thép. Hái hoa bằng giấy mà bảo rằng... hoa hồng thiên nhiên. Thôi ta
đi về”. Lão Tư Hiếm nói: “Cứ ở lại, chờ xem khi vãn hát. Nghe đâu sau