“A lô! A lô! ‘Đoàn Hương Sắc sáu mươi lăm’ đương thành hình,
do bà Quỳnh Hương làm giám đốc sẽ ra mắt vào đầu tháng Tư. Danh
sách đào kép chưa chánh thức công bố, nghe đồn nữ nghệ sĩ Thiên
Thai đã xé giao kèo bên đoàn Nhạn Bạch để về đoàn này.
A lô! A lô! Bà Quỳnh Hương cho biết thêm: Ký giả kiêm thi sĩ
Hoài Hương đã nhận lời đưa vở tuồng đắc ý nhứt của mình cho ‘đoàn
Hương Sắc sáu mươi lăm’. Khán giả đang nóng lòng chờ đợi để
thưởng thức tài nghệ của nhà thi sĩ khả ái ấy. Bước đầu tiên của thi sĩ
trong nghề soạn tuồng biết đâu chẳng đánh dấu ngay một sự thành
công? Nhan đề vở tuồng còn trong vòng bí mật, nhưng thi sĩ đã bảo
đảm với bà bầu Quỳnh Hương: ‘Tuồng này đầy đủ dân tộc tính’.”
Tôi nhẩy nhổm, đứng phắt dậy. Máu nóng “nhà quê” của tôi bỗng
bừng sôi. Té ra bà Henri đã loan tin ẩu về sự hợp tác của tôi, từ hai
ngày rày, liền từ sau khi tặng bó hoa hồng trên gác trọ! Chẳng vậy thì
sao các thông tín viên kịch trường lượm lặt được tin sốt dẻo này, cho in
lên báo kịp trưa nay? Buổi sáng ấy, mặc dầu chưa gặp mặt tôi sau năm
sáu năm xa cách nhưng bà dám đề cao tuồng của tôi sẽ đủ “dân tộc
tính”! Cùng với những hàng chữ in ấy, bà Henri sẽ kèm một bằng
chứng khác - mấy trang giấy nháp sơ lược cốt tuồng Ba Tư - để yêu
cầu người hùn vốn cứ bỏ thêm tiền ra cho bà xài! Trong khi khuyên
nhủ tôi nên từ bỏ cái thói “trùm chăn quê mùa”, bà lại lợi dụng cái tật
xấu của tôi. Giải quyết cách nào bây giờ? Tìm bà Henri, đòi lãnh thêm
vài ngàn đồng cho hả giận, cho đáng với sự thiệt thòi của tôi? Yêu cầu
bà ta đính chánh trên báo? Không được. Bà ta sẽ ngơ ngác, cho rằng
tôi hiểu lầm thiện chí của bà ta đối với người em đáng thương hại. Đi
tìm các ký giả quen biết, nhờ họ cho tôi thanh minh vài hàng chăng?
Anh em trong làng sẽ khó xử vì chuyện ấy có gì đâu mà thanh minh
cho mệt độc giả! Và thanh minh trong trường hợp này chẳng khác nào
tôi trù rủa đoàn hát “Hương Sắc sáu mươi lăm” ngay từ khi còn nằm
trong bào thai, gián tiếp làm cản trở sự phát triển của làng ca kịch, đập