bể chén cơm “hụt” của khá nhiều công nhân sân khấu? Hơn nữa bà
Henri vẫn được quyền thanh minh trở lại rằng: Nhà thi sĩ kiêm soạn
giả ấy đã nhận được bó hoa hồng, đã lãnh số “tiền nước” đáng kể, đã
dự bữa cơm thân mật, đã trao bản thảo vở tuồng. Đứng về phương
diện độc giả, họ nghĩ thế nào trước những bằng cớ hiển nhiên ấy.
Rầu rĩ quá! Tôi gọi chiếc xích lô máy, bảo anh tài xế cứ chạy thẳng
tới. Ác hại làm sao, mấy chữ hàm hồ trên mặt báo: “dân tộc tính”!
Phải chăng bà Henri muốn ám chỉ câu chuyện của Chúa Ngung, Ma
Nương mà bà yêu cầu tôi soạn lại? Nghi ngờ gì nữa! Bà đã bắn tin ấy
ra từ bữa trước rồi mới bàn bạc với tôi về sau này, lúc ăn cơm. Theo ý
của bà, hoàng tử Mai Kha ở Ba Tư là thối thân của lão Tư Hiếm, của
ông Henri hay của chính tôi? Cô gái bị giết ngày xưa là thối thân của
pho tượng đá? Hay kẻ thối thân là bà Henri hoặc cô đào trẻ đợt sóng
mới Thiên Thai? Đâu là sự thật về Chúa Ngung, Ma Nương ở Mốp
Giăng? Tôi liên tưởng đến mấy tiếng “sứ mạng của người cầm bút” mà
các bực đàn anh thường nhắc nhở. Người như tôi có xứng đáng lãnh
cái sứ mạng đó không? Tôi trả lời một mình: “Xứng đáng chớ”. Mãi
tới ngày nay, câu chuyện ở Mốp Giăng chỉ được truyền khẩu, người ở
địa phương đã già nua, hoặc bận rộn sanh kế, hoặc ít muốn nói. Hoặc
họ đã chết. Đã hai lần, tôi đã “ghi chép” nó lên giấy, qua tiểu sử của
ông Henri Nhan và qua... cốt tuồng cải lương Ba Tư. Còn chờ ai nữa
bây giờ, nếu tôi không chịu viết ngay tất cả những điều tôi được biết -
trong muôn một - dầu rằng lối viết vụng kém của tôi chỉ được có một
vài người đọc thưởng thức.
Chiếc xích lô nổ máy tiến tới, đi ngang qua rạp hát cải lương.
Những biểu ngữ, tranh quảng cáo lòe loẹt nào hình công chúa Nhựt
xách đèn lồng, hiệp sĩ La Mã đấu gươm... Hoàng tử Mai Kha, nàng Y
Liên, chuyện ở Mốp Giăng rồi cũng được vẽ đại khái như thế. Cái bốp
chứa đựng nhiều tiền nhảy cồm cộm trong túi sau, giữa cái nệm xe và
da thịt tôi. Số tiền năm ngàn còn quá đầy đủ nhưng tâm tư của tôi