- Ông thần cỡi hạc bay đi thì làm sao cái sắc thần còn ở trên trang cho
được. Rõ ràng, hai chuyện này dính dáng với nhau.
Nói xong, ông Từ vuốt râu mỉm cười, chua xót, thấy mình tuy có tội
lớn với dân làng nhưng không “tày trời” bằng tội của ông cả Bạch.
Ông hương cả Bạch đã già trên sáu mươi tuổi. Trong phút giây ông
chợt đoán ra phần nào sự thật. Để tròn trách nhiệm, ông nghĩ ra một ý kiến
táo bạo:
- Truyền cho dân làng đánh mõ, đánh trống lên để tri hô, tìm bắt thủ
phạm. Nó ăn cắp “sắc thần” rồi! Đình mà không có sắc thần thì tai họa xảy
tới. Vái trời.
Ông Từ bươn bả ra cửa, vừa chạy vừa tri hô. Ông hương cả chạy theo.
Bầy trâu trong chuồng dậm chân, trâu con kêu nghé ngọ vì đói, hôm qua
thằng Hon không thèm cắt cỏ! Lần đầu tiên từ mấy năm qua. Ông nói gằn,
to giọng:
- Đ.m. nó!
Rồi ông kềm hãm cơn phẫn nộ:
- Phen này mình thua trí thằng con nít.
Độ mười phút sau, dân làng nhốn nháo đến mé rạch, bao vây các khu
vườn, chận xét những ghe xuồng lạ mặt, cãi vã nhau, đặt ra hàng trăm giả
thuyết về quá khứ vị lai:
- Chắc làng này có hạn hán, bão lụt, mắc ôn mắc dịch, hoặc hồi năm
ngoái, hương chức định gian lận tiền lạc quyên, nên thần mới giáng họa!
Bỗng nhiên vài người la hoảng: