- Ai thù oán mình mà họ bày trò vô lễ này? Mình nghèo khổ, làm tôi
tớ quét dọn trong đình mà thôi.
Đột nhiên, ông nhớ đến thủ đoạn của bọn đạo chích. Sau khi rình nhà
ăn trộm vài món lặt vặt, chúng thường phóng uế để “xổ xui” trước khi rút
lui. Nhưng ngôi đình này đâu có gì quý giá! Lập tức ông ra trước sân rồi trở
lại gian chái để tìm cái chìa khóa.
Ông trở lên mở khóa. Nhưng hỡi ơi! Cái ống khóa bị bẻ gãy tự bao
giờ. Trong chánh điện, mất một con hạc bằng cây. Con hạc còn lại thì nằm
nghiêng trên nền gạch. Trong hàng “lễ bộ” đã vắng dạng một cây kích, một
cây chùy bằng cây. May phước quá! Bộ lư vẫn còn. Ngoài ra chẳng mất
món nào khác.
Tại sao con hạc lại bay, với đôi cánh bằng cây? Và ai đã lấy trộm cây
chùy, cây kích? Loại khí giới bằng cây ấy dành để cho kép hát bội dùng chớ
ai sờ mó làm gì? Đây là vụ trộm có ác ý, có tổ chức.
Bấy giờ ông Từ sực nhớ tới trách nhiệm nặng nề của mình, hương
chức làng sẽ khiển trách. Tại sao ăn trộm vào đình mà không hay biết? Ông
nghĩ ra một kế: hốt sạch đống phân rồi tất tả chạy đến nhà ông hương cả
Bạch, vị chánh bái của đình. Suốt mười năm qua, ông hương cả giữ chức ấy
và được giao cho trách nhiệm giữ “sắc thần” là cái bằng cấp, do triều đình
ban cho để thờ phụng. Bình thường, sắc ấy cuốn tròn lại cất giấu kỹ lưỡng
tại nhà ông cả. Tới ngày kỳ yên, hương chức thỉnh sắc ấy tới đình, lễ xong
đem cất tại chỗ cũ sợ xảy ra trường hợp sắc thần bị trộm đem bán cho
những đình làng chưa có sắc.
- Chuyện gì vậy? Làm gì mà tới sớm vậy?
Ông Từ đã nghiên cứu từ trước những lời lẽ mà ông phải nói để trút
bớt trách nhiệm và tăng thêm phần long trọng: