Con rạch Ô-Heo trước nhà, nếu có đi trên ấy thì phải về ngọn, nó nghĩ như
vậy, đi về ngọn để rẽ qua những kinh rạch khác mà tìm làng mạc sầm uất,
chớ xuôi dòng ra biển thì còn nghĩa lý gì nữa chớ ?
Nó chưa được ra biển lần nào cả và mấy năm trước đây nó muốn theo ghe
của bọn bắt cua để đi một chuyến lắm, mà không được phép đi.
Chuyến đi đầu đến một chơn trời xa lạ mà ông nội nó vừa cho biết, không
làm cho nó phấn khởi chút nào cả.
Ông nội nó tiếp, dặn mẹ nó:
- Con mẹ Trùm, ngày mai phải dậy khuya nấu cơm. Tao đi với thằng Trùm
và thằng Cộc, đi thật sớm để gặp con nước lớn ngay tại cửa mà về cho tiện.
Rạch Ô-Heo nhỏ xíu cho nên tràm mọc ở hai bên bờ giao nhành với nhau
được và phủ kín cả mặt nước.
Rạch tối om, đi như đi trong hang. Bây giờ thằng Cộc mới thấu nghĩa hai
tiếng “hang mai” trong câu hát của bọn đi bắt ba-khía.
Những nơi ánh nắng lọt vào được thì hai bên bờ, ô-rô và cóc kèn mọc đầy.
Nước ròng chảy xiết, xuồng trôi bon bon. Tuy vậy, ông nội và tía cũng chèo
cẩn thận để mau tới nơi, hầu về kịp nội buổi chiều ngày đó.
Gần tới trưa, xuồng không đi mau nữa.
- Nước đứng rồi, ông nội nói, tức ta gần tới cửa rồi.
Họ thôi chèo, để cho xuồng trôi linh đinh, không tiến cũng không lùi, rồi
lấy cơm dỡ trong mo nang ra mà ăn.
Không đi thì thôi, đã trót đi, và lúc gần tới đích, thằng Cộc nghe thích thấy
biển coi ra sao. Nó và cơm hối hả rồi hỏi:
- Ra đó làm gì ông nội ?
- Rồi mầy sẽ biết.
Họ ăn cơm xong thì nước bắt đầu lớn. Họ chèo ngược nước cho đến quá
đứng bóng thì đến một nơi kia mà ông nội tuyên bố rằng đó là biển.
Thằng Cộc ngạc nhiên lắm mà chẳng thấy biển đâu cả. Con rạch tiếp tục đi
xa ra ngoài kia, hai hàng rào cây như đứt khúc, đâm vào một vách tường
xanh như da trời.
- Biển ở đâu, ông nội ? Cộc hỏi.
- Đàng xa kia, xanh xanh đó.