Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc nầy để lót đường cho con
cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối, lội qua
tô nước rọng hủ đường để làm cầu cho bọn đi sau vào đến nơi có chất ngọt.
Nhiều lớp tiên phuông đã ngã gục như rừng mắm. Rồi thì ông sơ, ông cố
con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn...
- Tía.
Thằng Cộc lo lắng không biết tía nó sẽ làm tràm như nó được hay không
nên kêu tía nó bằng một giọng thương yêu trìu mến hết sức.
- Thôi, nhổ sào để đi về cho kịp con nước, ông nội ra lịnh.
Ông nội vui vẻ quá, vì ông bỗng sực nhớ lại những câu hò của thế hệ người
tiên phong đi khai thác đất hoang ở miền Nam, mà ngày nay thế hệ tràm
không hát nữa. Ông cất giọng khàn khàn lên:
Hò... ơ... Rồng chầu ngoài Huế,
Ngựa tế Đồng Nai.
Nước sông trong sao cứ chảy hoài,
Thương người xa xứ lạc loài đến đây.
Chú thích
chim thằng chài xanh: Tác giả thấy rằng màu lông của loại chim nầy là
màu lục. Nhưng người miền Nam cứ cho đó là màu xanh, nên tác giả viết
theo đa số, để được hiểu. Vả lại, đôi khi trời trưa thì cũng có thể thấy chim
ấy mang màu xanh.
tía: Tía là danh từ của người Mã Lai có nghĩa là Cha, nhưng miền Nam vay
mượn của người Hoa Nam (Phúc Kiến và Triều Châu) vì người Hoa Nam
gốc Mã Lai, còn dùng đến mấy trăm danh từ Mã Lai trong cái Hoa ngữ của
riêng Hoa Nam, chớ không phải là vay mượn của người Mã Lai đâu. Vả lại
danh từ Cha cũng do Giao Chỉ vay mượn của Hoa Nam hồi cổ thời và cũng
cứ là vay mượn danh từ Tia (không có dấu sắc). Khi Tia được đọc thật
nhanh thì nó hóa ra là Cha, như trong tiếng Pháp Tiarẹ Hai câu chú thích
nầy để dành riêng cho bạn đọc gốc miền Bắc và Trung.
gác: đánh bẫy.
6) Nghệ sĩ Bắc Sơn: