Thái Thuỵ Vy
Biên Hùng Liệt Sử
Lịch Sử
"Viết về một vùng đất quê hương mà chúng ta hưởng nhiều ân sủng cũng
đã là yêu nước rồi ".
Câu nói trên của bạn bè đã khích lệ tôi rất nhiều để viết quyển sách nầy.
Để tránh hiểu lầm từ mọi phía, tôi kính xin các bậc thức giả bổ túc, sửa sai
hoặc đính chánh cho bài viết được đầy đủ và đúng với sự thật hơn, chỉ có
trong tinh thần sĩ phu đó, người viết sử sẽ an tâm khi đụng đến một đề tài
bén nhậy này của lịch sử.
Chúng ta đã nghe nhắc tới quận Triệu Phong, Quảng trị, là đất "Địa linh
sanh nhân kiệt", có làng Đại hào với Hoàng Xuân Tửu, Hoàng Xuân Lãm,
Lê Duẩn, Bồ Liêu với Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết, Duy Khánh v. v...,
cuộc đất "Ngũ Phụng Tề Phi" ở Quảng nam với Phan Bội Châu, Phan Châu
Trinh, Trần Cao Vân... (Ngũ phụng tề phi theo sách Khoa Cử Việt Nam của
Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề thì gốc từ vua Thành Thái ban cho danh
hiệu năm vị học sĩ Đất Quảng Nam: Phạm Liệu, Điện Bàn; Phan Quang,
Quế Sơn; Phạm Tuấn, Điện Bàn; Ngô Chuân, Điện Bàn; Dương Hiển Tiến,
Điện Bàn. Cả năm ông đều đỗ Tiến Sĩ - Phó Bảng một khoa (1898))...và
cuộc đất có hàm rồng ở Hà Tiên với Mạc Cửu v. v... thì hôm nay, tôi xin
lạm bàn đến cuộc đất Tứ Linh "Long Lân Qui Phụng" vói chút lịch sử, địa
lý phong thủy (feng shui, géomancy) và nhơn sự đã khiến tôi chú ý.
Đại nguyên soái Nguyễn-Phúc-Ánh lên ngôi vương nhưng vẫn lấy niên
hiệu nhà Lê (đời Cảnh Hưng), dùng ấn "Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh
Trấn" chế từ năm 1691 do chúa Hiến Tông Nguyễn Phước Châu. Tháng 11
năm Kỷ Hợi, Nguyễn Vương phân định cương giữa hai dinh Phiên trấn và
Trấn biên thuộc Gia định thành, Vương đặt cho hiệu danh Biên Hòa, với ý
nghĩ một doanh trấn ở biên cương trước bị loạn lạc, nay được bình định và
hưởng an lạc thái hòa.
Trấn Biên Hòa có một huyện Phước Long gồm bốn Tổng: Tân chính, Bình
an, Long thành, và Phước an.