Trên ghe cát lặng thinh, có lẽ vì cạn nguồn thơ.. Một tràng cười chế nhạo
nổi lên trong nhóm mấy chị thợ in ranh mãnh.
Một ghe cát khác lù lù trờ tới. Tiếng hò ghẹo lại nổi lên:
Hò. . .ơ. . . ơ. . . ơ. . .
Tiếng anh ăn học làu làu
Lại đây em hỏi thử
Hò. .. ... ơ. . . ơ. . . ơ. . . ơ
Lại đây em hỏi thử
Vậy chớ Cây Đào* có mấy bông?
* Một địa danh của quận Tân Uyên.
Biết bị chơi chữ, anh chàng trên ghe cát, có lẽ chưa tìm ra liền câu "bắt", bí
lối nên mở đầu bằng một câu giáo tuồng:
Ngó lên trời thấy cụm mây trắng
Ngó lên núi thấy đám mây vàng.
Bây giờ anh mới hỏi nàng
Sao trên trời mấy cái
Mấy con cá vàng lội dưới sông?
Rồi cái đà tương tự như thế, người trên sân hò, người dưới ghe bắt, sân này
chuyển qua sân nọ, ghe này sang qua ghe kia, cứ liên tục tiếp diễn suốt
đêm, cho đến khi chiếc ghe cát cuối cùng mất dạng trong đám sương
khuya. Rồi đêm khác, đêm khác nữa, ngày nầy sang tháng nọ, cái trò tiêu
khiển đầy thơ mộng nầy cứ tái diễn, lắm khi kết cục bằng những đám hôn
nhơn tốt đẹp giữa chàng trai ghe cát và cô thợ in ngói xinh xinh.
Điều đáng nói nơi đây là những câu hò đầy văn hoa, những câu "bắt" đầy
ân tình nhưng không thô bỉ, được thốt ra nơi cửa miệng của các cô thôn nữ
nghèo nàn, những chàng trai dốt nát, vì kế sinh nhai phải sớm lăn vào đời
lao động, không được diễm phúc đến nhà trường như những con nhà khá
giả khác. Bất quá họ chỉ nhờ anh chị lối xóm chỉ cho biết đọc sơ chữ quốc
ngữ để học những bài ca Dạ cổ hoài lang, Tây thi, Cổ bản, Bình bán vắn,
Khổng minh tọa lầu... hoặc để xem truyện Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm
Công Cúc Hoa, Con Tấm Con Cám... Vậy mà họ tức cảnh nên lời, tạo được
những câu hò bất hủ, tuy mộc mạc nhưng thâm thúy, hồn nhiên, không cầu