“Cần sắp xếp cho khéo mới được, có thể mới hợp với đạo lý”, ông già nghĩ
như thế và càng thấy trước khi việc tốt thành công thì bao giờ cũng phải trải
qua nhiều nỗi quanh co. Cho nên những giấc mơ trong khi thao láo hai mắt
của ông càng hoang đường, càng không tưởng hơn cả cháu gái ông là Thúy
Thúy.
Ông dò hỏi tất cả người địa phương qua đò về cuộc sống của cha con cậu
Hai, quan tâm đến họ chẳng khác gì người nhà mình. Nhưng cũng thật lạ,
vì thế ông lại sợ chạm mặt ông quản bến và cậu Hai, hễ gặp họ là ông
chẳng biết nói gì ngoài việc xoa hai tay vào nhau theo thói quen, mất hẳn
vẻ tự nhiên. Còn hai cha con ông quản bến đều hiểu ý ông, nhưng chàng
trai chết đi ấy đã để lại ấn tượng thê thảm không xua đuổi nổi trong lòng
họ. Bởi vậy hai cha con mới làm ra vẻ hoàn toàn không hiểu ý tứ của ông
quản đò, cùng sống cho qua ngày tháng.
Rõ ràng ban đêm không nằm mơ, nhưng sáng ra khi nói chuyện cùng cháu
gái, ông quản đò lại nói:
- Thúy Thúy, ông nằm mơ sợ quá!
Thúy Thúy hỏi:
- Ông mơ gì mà sợ quá?
Làm vẻ suy nghĩ về giấc mơ, ông già vừa nhìn kỹ đôi lông mày dài trên
khuôn mặt xinh xinh của cháu gái, vừa kể về giấc mộng đẹp khi ông mở to
cặp mắt vào lúc khác. Không cần nói cũng biết những giấc mơ ấy thực ra
chẳng có gì đáng sợ.
Mọi dòng sông đều chảy ra biển, chuyện lúc đầu dù nói xa xôi đến đâu rốt
cuộc cũng vẫn quay trở lại việc làm cho Thúy Thúy phải đỏ mặt. Khi nào
thấy cháu gái hơi bực mình, vẻ mặt tỏ ra hơi bối rối thì ông già mới thấy
hơi sợ, vội vàng giải thích hoặc dùng chuyện phiếm để che đậy ý vốn có
trong vấn đề mà ông muốn nói.