sự việc. Đợi một lúc nữa không thấy ai xuống chở đò, anh làm công lại gọi
toáng lên lần nữa.
Ông quản đò nghe rõ lắm nhưng vẫn ngồi xổm ngoài vườn ngắm mầm cải,
thầm thấy buồn cười. Ông đã nhìn thấy Thúy Thúy bỏ chạy và biết hẳn cô
cháu gái mình đã nhìn rõ người qua đò ấy là ai, nên ông cố ý ngồi lại ở trên
mỏm đá cao, không chịu xuống. Thúy Thúy còn nhỏ chưa đến tuổi nhận
việc, người qua đò muốn qua mà em không chịu đưa đò thì cũng chẳng làm
gì được em, vì vậy họ đành gào lên đòi qua đò. Người làm công gọi mấy
lần thì cũng thôi, ngoảnh lại hỏi cậu Hai:
- Họ chơi trò gì vậy hả cậu Hai? Lẽ nào ông già đổ bệnh chỉ còn mỗi một
mình Thúy Thúy? Cậu Hai đáp:
- Đợi chút nữa, xem thế nào!
Thế là hai người đợi thêm lúc nữa. Thấy khách bên bờ này lặng lẽ đợi, ông
quản đò ngồi ngoài vườn nghĩ: “Lẽ nào là cậu Hai?”. Dường như ông già lo
ngại làm phật ý Thúy Thúy nên vẫn ngồi yên, không đứng lên.
Chỉ một lúc sau, tiếng gọi đò lại vang lên bên bờ suối, tiếng gọi lần này có
vẻ khác chút ít, đó mới thật là tiếng cậu Hai. Bực mình rồi hả? Đợi lâu rồi
hả? Muốn cãi nhau hả? Ông quản đò vừa đoán lung tung vừa chạy xuống
suối. Đến bờ suối, hai người ấy đã lên đò, một trong hai người chính là cậu
Hai. Ông già kinh ngạc kêu lên:
- Trời ơi, cậu Hai! Cậu về rồi à?
Chàng trai dường như rất bực mình:
- Về rồi! Đò ông làm sao thế? Đợi đến nửa ngày cũng chẳng thấy một ai!
- Tôi cứ tưởng... - Ông quản đò nhìn quanh một lượt nhưng không thấy
Thúy Thúy đâu, chỉ thấy con chó vàng chạy xuống từ phía rừng tre trên núi.