- Thôi đi bác ơi, cái miệng chúng ta chỉ nên uống rượu thôi, không nên chỉ
muốn hát thay cho cháu gái nữa. Ý bác thế nào, tôi hiểu cả rồi. Bác có ý tốt
nhưng tôi cũng xin bác hiểu cho ý của tôi. Tôi cho rằng chúng ta chỉ nên
nói chuyện trong phận sự của mình, không thích hợp nghĩ đến chuyện của
con trẻ.
Sau khi bị đòn quyền ấy thoi gục, ông quản đò vẫn còn muốn nói vài câu
nữa, nhưng ông Thuận Thuận không để cho ông nói, kéo luôn ông ra chỗ
đánh bài.
Ông quản đò không còn nói vào đâu được nữa. Nhìn sang ông quản bến thì
ông này đang cười nói nhiều chuyện buồn cười nhưng trong lòng dường
như rất bực, thường quật mạnh bài xuống mặt bàn. Ông quản đò không nói
gì nữa, cầm nón đội lên đầu rồi ra về.
Trời hãy còn sớm, ông quản đò buồn bã trong lòng liền vào thành tìm ông
quản ngựa họ Dương. Ông Dương đang uống rượu, ông quản đò tuy thoái
thác là mới ốm khỏi nhưng rồi cũng uống dăm ba chén. Về đến núi Bích
Khê, ông đi đường thấy nóng bức nên vốc nước suối vã lên người. Ông
cảm thấy rất mệt mỏi, dặn Thúy Thúy trông đò rồi lên nhà nằm ngủ.
Tới hoàng hôn, trời vô cùng oi bức, trên mặt suối chỗ nào cũng thấy chuồn
chuồn ớt bay. Mây kéo đến đầy trời, gió nóng thổi ào ào vào rừng trúc giữa
hai quả núi, xem chừng đến tối thế nào cũng mưa to. Thúy Thúy trông đò ở
dưới bến, nhìn những con chuồn chuồn bay đi bay lại trên mặt suối, lòng cô
bé cũng rối bời. Thấy sắc mặt ông ngoại thê thảm quá, em không yên tâm,
chạy lên nhà xem thế nào. Em tưởng ông đã đi ngủ từ nãy, hay đâu ông vẫn
còn ngồi trên bậc cửa bện giày cỏ.
- Ông ơi, ông cần bao nhiêu giày cỏ nữa nào? Ở đầu giường chẳng phải còn
đến mười bốn đôi sao? Sao ông không nằm mà nghỉ?
Ông quản đò không nói gì, chỉ đứng dậy ngửa đầu nhìn trời, rồi khẽ nói: