nghe.
Ba ngày sau, ông quản bến đến bàn về việc đưa Thúy Thúy về nhà ông ở.
Thúy Thúy còn muốn trông mộ cho ông ngoại, không muốn vào thành
ngay, em chỉ xin ông quản bến vào nha môn trong thành xin phép cho ông
quản ngựa họ Dương tạm thời ở cùng em. Ông quản bến đồng ý nhận việc
này rồi ra về.
Ông quản ngựa họ Dương đã ngoài năm mươi tuổi nhưng tài kể chuyện thì
hơn hẳn ông ngoại Thúy Thúy một bậc, lại thêm việc gì ông cũng rất quan
tâm, làm việc gì cũng chóng vánh, gọn gàng, cho nên khi ông ở cùng Thúy
Thúy thì Thúy Thúy cảm thấy tuy mất đi một người ông nhưng lại có thêm
một người bác mới. Lúc chở đò, có người hỏi thăm ông ngoại đáng thương,
hoặc nhớ đến ông ngoại lúc chạng vạng tối, đó đều là những lúc Thúy Thúy
cảm thấy xót xa nhất, thê lương buồn thảm nhất. Nhưng dần dần nỗi thê
thảm ấy cũng nhạt dần theo ngày tháng. Hàng ngày, vào lúc hoàng hôn và
tối, hai bác cháu ngồi trên mỏm đá cao ở bên suối trước nhà kể cho nhau
nghe chuyện cũ về ông ngoại đáng thương đang nằm dưới đất ẩm ướt. Có
rất nhiều chuyện trước đây Thúy Thúy chưa hề biết, bây giờ được nghe,
Thúy Thúy thấy dịu ngọt trong lòng. Ông quản còn kể về cha của Thúy
Thúy, người lính vừa muốn tình yêu vừa tiếc danh dự, hồi ấy ăn vận binh
phục của quân lục doanh nên đã làm cô gái xiêu lòng như thế nào. Ông
quản còn kể về mẹ Thúy Thúy hát giỏi như thế nào và những bài hát ấy
được lưu hành rộng rãi ra sao hồi bấy giờ.
Thời gian biến đổi, mọi thứ tất nhiên cũng khác đi. Hoàng đế còn không
ngồi vững trên ngai vàng, nói gì đến người bình thường? Ông quản ngựa
nghĩ đến thời trẻ mình làm lính chăn ngựa, ông đã dắt ngựa tới núi Bích
Khê hát cho mẹ Thúy Thúy nghe, nhưng mẹ Thúy Thúy không thèm để mắt
đến ông. Thế mà bây giờ ông lại trở thành chỗ dựa vững chắc duy nhất,
người được gửi gắm duy nhất đứa con mồ côi này, nghĩ đến đây bất giác
ông cười buồn.