thế là đi ra vườn rau sau nhà ở dưới tháp xem đám hành, Thúy Thúy cũng
theo sau.
- Ông ơi, cháu quyết định không đi. Nếu đi thì để con đò đi, cháu thay nó
bầu bạn với ông.
- Được lắm, cháu không đi thì ông đi. Ông còn gài một bông hoa đỏ giả vờ
làm bà già, đi cho biết đó biết đây.
Vì câu nói đó, hai ông cháu cười mãi không thôi.
Ông ngoại nhặt cỏ cho hành còn Thúy Thúy ngắt một nhánh hành to để
thổi. Có người gọi đò, Thúy Thúy không để cho ông xuống trước mà tranh
xuống đò. Nhảy lên đò rồi, em vừa vịn chão kéo đò sang đón khách vừa gọi
ông:
- Ông ơi, ông hát đi, hát đi!
Ông ngoại không hát, chỉ đứng trên bờ đá cao nhìn Thúy Thúy mà vẫy tay,
không nói câu nào.
Ông ngoại có chút tâm sự.
Thúy Thúy ngày một lớn, khi vô ý nói đến chuyện gì đó, cô bé thường đỏ
mặt. Thời gian thổi cho cô bé lớn lên, dường như còn thúc giục cô lớn lên
nữa, khiến cô bé để ý một số điều trước đó chưa để ý. Cô bé thích nhìn cô
dâu mặt trát đầy phấn, thích nói đến chuyện cô dâu, thích đội vòng hoa dại
lên đầu và thích nghe người khác hát. Những chỗ quấn quít trong tiếng hát
của người Trà Đồng, cô bé đã hiểu được. Có lúc dường như em thấy cô
đơn, thích ngồi trên núi đá, ngây người nhìn một đóa mây, một ngôi sao
trên bầu trời. Nếu ông ngoại hỏi, Thúy Thúy nghĩ gì thế thì em ngượng
ngùng đáp, Thúy Thúy có nghĩ gì đâu! Nhưng đồng thời cô bé lại tự hỏi
lòng: “Thúy Thúy, mày nghĩ gì thế?”, rồi thầm trả lời: “Tao nghĩ nhiều lắm,
rất nhiều, nhưng lại chẳng biết nghĩ những gì.” Quả thật cô bé đang nghĩ và