- Nếu bác không cả nghĩ thì chuyện vui này cũng có thể xem như chuyện
thật. - Người kia lại nói.
Sau đó mới kể cậu Cả nhà Thuận Thuận khen Thúy Thúy đẹp như thế nào,
lại nhờ anh ta thám thính một việc là xem ông quản đò nói thế nào. Sau đó
anh ta kể lại tình hình nói chuyện giữa hai người:
- Cháu mới hỏi cậu Cả, này cậu Cả, cậu nói thật hay nói đùa đấy? Cậu Cả
nói, cậu thám thính hộ tớ xem ông già nói sao. Tớ thích Thúy Thúy, muốn
lấy Thúy Thúy, tớ nói thật đấy! Cháu nói, mồm mép tôi vụng lắm, nói ra
ông cụ tát cho một cái thì sao? Cậu Cả nói, cậu sợ bị đánh thì nói như một
câu chuyện vui, như thế thì không bị đánh đâu. Vì thế, cháu mới đem
chuyện ấy coi như chuyện vui kể với bác. Bác ơi, bác nghĩ giùm cháu đi,
mồng chín này anh ấy từ Xuyên Đông về gặp cháu, cháu nên trả lời anh ấy
như thế nào?
Ông quản đò nhớ lại những lời chính cậu Cả đã nói với ông, biết cậu ta thật
sự có ý đó, vả còn biết ông Thuận Thuận cũng ưa Thúy Thúy, cho nên ông
rất vui. Nhưng theo lệ thì việc này phải có người mang gói bánh điểm tâm
đến tận nhà ông ở núi Bích Khê để thưa chuyện, có thế mới là thận trọng.
Ông bèn nói:
- Khi nào cậu ta về thì cháu nói, ông cụ nghe xong câu chuyện vui thì cũng
kể một câu chuyện vui. Ông cụ nói rằng, xe có đường của xe, ngựa có lối
của ngựa. Cậu Cả đi đường xe thì phải có cha cậu làm chủ, nhờ người làm
mối đến thưa chuyện với tôi. Còn nếu cậu Cả đi đường của ngựa thì bản
thân cậu Cả phải làm chủ, đến đứng trên núi đối diện với bến đò hát ba năm
sáu tháng cho Thúy Thúy nghe.
- Bác ơi, nếu hát ba năm sáu tháng mà làm rung động được trái tim của
Thúy Thúy thì ngay ngày mai tự cháu sẽ đến hát.
- Cháu tưởng Thúy Thúy bằng lòng mà bác còn không bằng lòng hay sao?