Nhiệm vụ điều nghiên mục tiêu hết sức quan trọng. Là một trinh sát đặc
công dày dặn, Trân ý thức thường xuyên rằng: điều tra nắm chắc mục tiêu
là điều kiện "tiên quyết" để giành thắng lợi trận đánh.
Tháng 10 năm 1966, phân đội trinh sát được phái đi từ một vị trí ém
quân trong cơ sở ở khu vực Tân Trụ. Bành Văn Trân và Tư Khinh đưa hai
tổ trinh sát luồn sâu vào trong sân bay, bí mật trụ lại. Các chiến sĩ miệt mài
nghiên cứu tình hình và thực địa cả ngày lẫn đêm. Thỉnh thoảng mới thay
phiên nhau trở ra khu vực kênh Tham Lương và ấp Tân Trụ nghỉ "xả hơi".
Là trách nhiệm chỉ huy, Trân chẳng nề nguy hiểm, có những ngày anh
cải trang thành phu lao động để lọt vào sâu hơn trong sân bay, quan sát từng
lô cốt, ụ súng, các chiến hào, cách cấu trúc đồn bót, hệ thống đèn kiểm soát.
Có lần, Trân cùng anh em chịu đói, khát hai ba ngày liền vì phải liên tục
bám vị trí điều nghiên và bảo đảm bí mật tuyệt đối cho trận đánh. Anh thận
trọng áp sâu vào khu trung tâm, có khi cách địch chỉ dăm bảy chục mét, có
khi phải tìm một địa thế cao để thấy rõ hơn hành động của bọn lính. Và có
lúc anh phải chịu sự căng thẳng hết sức vì những loạt đèn pha cực mạnh
quét tới ở cự ly quá gần, chỗ anh đang ẩn nấp.
Trong quá trình điều nghiên mục tiêu, tiểu đội trinh sát đã phát hiện ra
một vấn đề đáng lưu ý: có một kho bom nằm cạnh bãi máy bay, đánh kho
bom dễ, nhưng muốn vào được kho bom thì phải vượt qua bãi để máy bay
phản lực và trực thăng. Vì thế khi đánh phải đánh cả kho bom và bãi đậu
máy bay cùng một lúc. Ý kiến này đơn vị đề xuất báo về trên và được Bộ
Chỉ huy Quân khu chấp thuận.
Kế hoạch tác chiến có phần thay đổi so với ban đầu, nhưng lại phù hợp
với thực tế điều nghiên khiến cho Trân đặt niềm tin cao hơn vào quyết tâm
của mình. Không khí đơn vị chuẩn bị thật khẩn trương. Trân suốt ngày cùng
anh em đắp sa bàn, rồi quay ra tập đánh. Chiếc sa bàn cát tuy thô sơ nhưng
thể hiện đầy đủ chi tiết của sân bay Tân Sơn Nhất. Các mũi trưởng và chiến
đấu viên nhận nhiệm vụ trên sa bàn với tinh thần phấn chấn, quyết tâm cao.