Ngày nay, tâm lý học là một khoa học có thể truyền dạy cũng như bao nhiêu
khoa học khác. Với một bộ óc thông minh trung bình người ta cũng có thể học
và hiểu nó. Nó cũng không bắt buộc người học phải có số vốn về triết học. Nó
căn cứ trên những yếu chỉ và những nguyên tắc có lẽ còn giản dị hơn môn hình
học hoặc vật lý học. Người đã có một cơ sở tâm lý học sẽ dễ mà rút tỉa những
cái hay trong mớ kinh nghiệm mà đời sống sẽ đưa đến cho họ sau này. Họ sẽ dễ
thông cảm, mau hiểu người đồng loại hơn cũng như viên kỹ sư điện học dễ mò
ra những bí quyết của vô tuyến điện hơn một tay ngang chỉ dựa vào mớ kinh
nghiệm.
Lối văn “triết học”:
Nói cho đúng, việc đọc sách khảo cứu về tâm lý học thường dễ làm cho người
dù hiếu học đến đâu cũng đâm ra chán nản. Nản vì “lối văn triết học” mà phần
nhiều tác giả sách này quen dùng, lối văn mà A. Abalat đã chỉ trích gắt gao
trong mấy tác phẩm bàn về nghệ thuật viết văn. Kể ra “lối văn triết học” này có
thể so sánh với “lối văn sở cẩm” mà André Thérive đã từng chế giễu. Và có khi
nó còn tệ hơn, vì trong lối văn sau này, những danh từ dùng sai nghĩa song
người ta còn có thể đoán được chứ đọc “lối văn triết học” thì chẳng khác gì đọc
sấm ký, bởi tác giả thường khéo che đậy một cái trống không to tướng dưới một
lớp danh từ khúc mắc có vẻ khoa học.
Đành rằng văn của Bergson (Nhà triết học Ly Lạp) cũng tối mò song ít ra chúng
ta còn thưởng thức đặng cách bố trí chặt chẽ những ức thuyết rất tân kỳ của ông.
Dù vậy, tôi cũng mạn phép trách ông điều này là ông đã không biết làm cho một
người chỉ có óc thông minh trung bình hiểu đặng tư tưởng ông. Muốn hiểu ông,
phải đọc qua những sách diễn giải tư tưởng ông.
Tôi vốn nghi kỵ những lối văn chuyên môn dành riêng cho từng khoa học. Vì
người ta rất dễ lạm dụng nó để lòe đời và như vậy người ta chỉ cần học qua một
mớ thuật ngữ là có thể bàn đến nhiều vấn đề vô lý dưới cái vẻ sành sỏi.
Anatole France nói rất đúng: “Sự dốt nát sở dĩ có là do trong ngôn ngữ chúng ta
còn lắm danh từ nghĩa không được đích xác”.
Trong quyển “Luận Về Trí Năng Con người” nhà đại tư tưởng Locke đã nói:
“Muốn cho người ta thâu nhận những chủ nghĩa phi lý hoặc kỳ hoặc, không có
cách gì hay bằng bao phủ những lý thuyết ấy dưới một lớp danh từ tối nghĩa, mù