từ sát nghĩa, dùng những câu ngắn nhưng vẫn đầy đủ ý, bỏ bớt những lời lẽ vô
ích, là chứng chỉ một người vừa có văn hóa khá cao vừa có nhiều óc phán đoán.
Tuy thế, trong khi nói chuyện chúng ta không bắt buộc phải hoàn toàn áp dụng
lối văn viết, trong văn nói, chúng ta có thể dùng lối láy đi láy lại nó làm cho câu
văn thêm mạnh, hoặc nuốt bớt những âm cuối cùng để có thể nói nhanh.
Những người lúc nói chuyện quen gò bó, uốn nắn câu văn y theo lối văn viết
chứng tỏ hai điều: hoặc giả đó là người kiểu cách, hoặc là người bị ảnh hưởng
của chức nghiệp. Những giáo sư, trạng sư, thẩm phán, có thói quen mang dùng
lối hành văn nhà nghề trong câu chuyện hằng ngày.
Người thiếu giáo dục quen dùng những danh từ thô tục, những tiếng “lóng”,
những câu văn khách sáo. Người kém phán đoán nói chuyện nhạt phèo, vô vị.
Những bác nhà quê, thiếu học thường dùng sai danh từ, nói trật cú pháp, nhưng
nếu họ không thiếu óc phán đoán, họ vẫn biết nói chuyện một cách có ý nhị.
Cái cách mà một người nghe người khác nói chuyện cũng là điềm chỉ đáng quan
tâm. Người có giáo dục bao giờ cũng biết nhẫn nại nghe người khác nói, không
bao giờ ngắt lời của ké đối thoại. Người kém sức chú ý hay tỏ vẻ xao lãng trong
lúc nghe người khác nói. Đừng lầm lộn với cái vẻ xao lãng của một người trầm
tĩnh, họ làm tuồng như không nghe song họ vẫn ghi rõ trong trí nhớ những lời
nói của người khác.
Một lối xếp loại đã lỗi thời:
Từ ngàn xưa, người ta đã biết xếp loại con người thành bốn hạng tùy theo khí
chất của họ: hạng đa huyết chất; hạng thần kinh chất; hạng lâm ba chất; hạng
đảm trấp chất.
Lối xếp loại ấy cổ thật, nhưng cổ kính chưa ắt đã có giá trị. Đứng về mặt tâm lý
học mà xét, những danh từ: thần kinh chất; đa huyết chất; v.v… không thể chỉ
định rõ ràng về một hạng người nào cả. Nếu có thể xếp những con người thành
bốn loại, dù là chỉ xếp loại một cách đại khái đi nữa thì thực cũng quá giản dị.
Hẳn thí dụ rằng có thể phân chia con người thành bốn hạng tùy theo khí chất
của họ, và có thể phân làm bốn loại khí chất thật là thuần túy nghĩa là không bị
pha trộn thì với hàng hà sa số con người đã sinh sống trên quả địa cầu này từ
xưa đến giờ, chúng ta phải nghĩ rằng khí chất của những con người ấy đã từng
bị pha trộn hằng bao nhiêu lượt.