“Ghét đời Thúc, Quý phân bang
Sớm đầu tối đánh, lăng quằng rối dân”
…
“Thương là thương Đức thánh nhân
Khi nơi Tống, Vệ, lúc Trần lúc Khuông
Thương thầy Nhan Tử dỗ dương”)
Thực ra không có thời đại nào là “tốt” hay “xấu” hơn thời đại nào. Làm gì nền
phong hóa của loài người có thể thay đổi một cách nhanh chóng như thế? Có
những thời đại hỗn loạn (đại để như các thời hậu chiến) mà tội lỗi và sự khốn
khổ con người đặng phơi bày ra trước mắt mọi người một cách không thẹn
thùng. Và có những thời đại mà thói hư nết xấu của con người bị luật lệ kiềm
hãm một cách quá chặt chẽ, làm cho chúng ta ngờ rằng ở thời ấy đạo đức đã cả
thắng tội lỗi. Nhưng thực ra cái vẻ đạo đức ấy chỉ đượm ở lớp ngoài. Bất luận ở
thế hệ nào, cái tỷ lệ giữa những người “tốt” và những người “xấu” cũng vẫn
không mấy khác nhau. Bởi, như chúng tôi đã nói ở trước, dù loài người có “văn
minh tiến bộ” (?) thật song con người lúc nào cũng là con người. Những nhiễm
thể của tế bào sinh sản chúng ta hiện nay vẫn không khác những nhiễm thể đã
cấu tạo tổ tiên chúng ta ở vào thời đại Thạch khí, tuy có một vài biến đổi do
hiện tượng đột biến gây ra song nó chỉ ảnh hưởng đến những đặc tính phụ
thuộc. Mỗi con người sanh ra đời là một con người hoàn toàn mới. Nếu con cái
chúng ta có giống chúng ta phần nào đó là do sự ngẫu nhiên.
Cá tính thiên nhiên của chúng đặng tạo thành do một sự hòa trộn hoàn toàn mới
của những đặc tính mà chúng ta đã thừa hưởng của tổ tiên và chúng ta di truyền
lại cho con cái sau khi đã mang dùng một phần nào để thực hiện đời sống chúng
ta. Những đặc tính tổng quát này rất ít tuy rằng những sắc thái của nó thì rất
nhiều, vì thế tính theo luật xác xuất, tỷ lệ về các loại cá tính con người vẫn
không thay đổi dù ở thế hệ nào.
Dù ở thời đại nào, cái tỷ lệ giữa những người tham ăn và người tiết độ, người
hiền lành và người hung ác, người hoạt động và người nhu nhược, người đa cảm
và người điềm nhiên, người biết phán đoán và người nông nổi, người khôn
ngoan và người khờ dại vẫn không thay đổi.
Như chúng tôi đã nói ở phần trước, chỉ có những cá tính tập thành là biến đổi do
ảnh hưởng của bao nhiêu yếu tố: phong tục, tập quán, luật lệ xã hội, giáo dục,