Căn cứ vào đó để buộc tội hay đề cao đạo Công Giáo cũng đều lầm lạc. Lấy
trung bình mà xét, các đoàn viên của giáo hội thời đó không xấu mà cũng không
tốt hơn những người thời ấy. Thời ấy có những thầy tu “ngã mặn” vì sự tuyển
trạch chưa đặng chu đáo cho lắm. Có những người không bề thế, chọn con
đường tu hành để làm bước tiến thân, vì lúc bấy giờ đạo Công Giáo rất có thế
lực, đó là tôn giáo đặng chính quyền nhìn nhận. Nhưng từ cuối thế kỷ XVII và
nhất là hiện giờ, việc tuyển trạch các vị tu sĩ đã gắt gao và sáng suốt hơn nhiều.
Nhưng phải đợi một thời gian lâu nữa mới thấy kết quả tốt của công cuộc chấn
hứng ấy.
Như chúng ta thấy, một chánh quyền mạnh mẽ, một tôn giáo có đủ uy quyền rất
có thể dùng luật lệ để tạo nên một lớp sơn “đạo đức” ở mặt ngoài, nhưng ở dưới,
lòng dục con người vẫn ngấm ngầm sôi sục. Khi những chế độ nghiêm khắc ấy
đổi thay thì những mặt nạ ấy cũng rơi xuống. Lúc bấy giờ những nguồn lực bị
đè nén quá lâu bèn bốc dậy thêm mạnh mẽ và sự phản ứng này có thể đưa đến
mức thái quá tạo nên một phong thái hoang dâm phóng túng để rồi người ta lầm
tưởng đó là đặc tính của thời đại.
Lòng tín ngưỡng của con người là một thiên bẩm:
Do những nhận xét trên đây, chúng ta có thể hiểu tại sao ở thời đại nào cũng có
những người vô tín ngưỡng, ngay ở những thời đại có tiếng là sùng tín như thời
Trung Cổ bên Âu Châu cũng thế.
Nguồn gốc của sự vô tín ngưỡng là óc phê bình nó do sự liên kết của một vài
bẩm chất thiên nhiên mà ra. Nói một cách khác, có những người trí tuệ kém
hoặc tầm thường nên dễ chấp nhận những tín điều mà không cần suy xét, lại có
những tâm hồn mộ đạo, tự nhiên họ có “giác quan thánh linh” và cũng có một số
ít người thiếu giác quan ấy. Như thế cũng dễ hiểu, bởi những người có óc phê
bình già dặn bao giờ cũng hiếm, người ta thường bảo: “Con người là một con
vật biết tín ngưỡng”.
Nhưng lắm khi óc phê bình ấy không thể tự do phát huy, chẳng hạn ở những
thời mà ai không chịu tư tưởng đúng theo đường lối của thời thượng lại bị đưa
lên giàn hỏa. Chúng ta rất hiểu tại sao lúc bấy giờ những người mà văn hào
Montaigne bảo rằng họ “ngã đầu vào chiếc ghế êm ả của hoài nghi” lại câm
miệng. Chúng ta có thể tin rằng trong thời mà những giáo đường đồ sộ đặng