Philippe Girardet
Biết Người
Dịch giả: Phạm Cao Tùng
Phần III - Chương Kết
NHỮNG ÁP DỤNG CỦA TÂM LÝ HỌC
CẦN LAO, TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC
Trong phim “Tự do là thuộc về chúng tôi” (à nous la liberté) nhà điện ảnh René
Clair đã chỉ trích một cách cay độc lối sống tân thời. Bằng một lối châm biếm
vừa ngông nghênh vừa trào lộng, ông cho chúng ta thấy rằng các xưởng máy tối
tân hiện giờ mà công việc sản xuất đặng tổ chức theo lối dây xích thật chẳng
khác nhà tù và ông khéo làm cho chúng ta thèm thuồng lối sống phiêu lãng, ham
thích những thú vui trong sạch của kẻ lãng tử sống trên vỉa hè hoặc dưới gầm
cầu.
Trước ông, đã từ có những nhà kinh tế học đạo mạo lên án lối tổ chức công việc
làm theo khoa học hiện giờ tức là lối làm việc theo dây xích. Các nhà kinh tế
học ấy cho rằng bắt nhân công làm việc như một cái máy theo lối Taylor là hủy
hoại cá tính của con người, thét rồi con người sẽ đâm ra đần độn. (Trong tạp chí
“Europe” số tháng 3 năm 1932, O. Lavand cũng đã lên án một cách hơi kỳ dị
phương pháp làm việc của Taylor. Ông Lavand cho rằng đó là một phương pháp
áp bức của tư bản. Ông làm như dân Nga-Sô người ta không áp dụng phương
phấp Taylor. Thật ra Nga-Sô vẫn dùng phương pháp đó nhưng lại đổi tên là
Stakhanovisme chứ không gọi là Taylorisme nữa).
Vấn đề cần lao:
Hiện giờ trong tất cả mọi ngành hoạt động người ta đều hướng đến việc tổ chức
công việc làm theo lề lối khoa học, với mục đích tăng gia năng suất và giảm bớt
sức lao động.
Để đạt đến mục đích ấy người ta phải hạn chế những sáng kiến cá nhân phần
nào, tức là không để cho công nhân làm việc tùy “hứng” nữa, người ta quy định
trước những lề lối làm việc và nhân công có phận sự là làm đúng theo đó.