học để nhận định rõ rệt cá tính của người mình giao tiếp, để hiểu rõ dục vọng,
sở thích của họ, để biết họ muốn gì, suy nghĩ những gì và cảm tưởng họ ra sao.
Người bán hàng cần biết gợi sự ham thích của khách hàng để họ mua hàng.
Nhà y sĩ cần biết phán đoán về người bệnh. Viên sĩ quan cần hiểu những binh sĩ
dưới tay mình. Nhà văn cần hiểu tâm lý các nhân vật mình tạo ra. Vợ chồng cần
hiểu nhau. Cha mẹ cần hiểu con cái.
Đó âu cũng là một khuyết điểm lớn của nền giáo dục hiện tại, chỉ quan tâm đến
chữ “Trí” mà ít nghĩ đến chữ “Hành”, chỉ lo dạy cho bạn trẻ “biết” thật nhiều
điều mà không dạy cho chúng “biết hành động” hoặc ít ra vạch cho chúng “biết
đường lối để hành động”. Các giáo sư thường nhồi nhét vào óc các sinh viên mớ
hiểu biết hỗn tạp với những lý thuyết, những giả thuyết, những tài liệu, những
thí nghiệm mà các nhà tâm lý học xưa nay đã thâu thập. Có mấy người đã biết
vạch cho bạn trẻ rõ: Bằng cách nào người ta có thể dùng tâm lý học để phát triển
cá tính của mình, có thể dùng kỹ thuật tâm lý học nào để làm cho mình thêm sức
hăng hái hoạt động hoặc thêm sức chịu đựng, dùng tâm lý học cách nào để quan
sát, phân tách và nhận xét tâm tính của những người mình gần gũi?
Vì thế, đa số các bạn trẻ (kể luôn những bạn trẻ có học) rất ngỡ ngàng khi bước
ra đời thực tế và họ thường tỏ ra bất lực khi phải hành động. Mớ kiến thức của
họ chỉ là những món đồ trang hoàng chứ không phải là những dụng cụ có thể
giúp họ xây dựng một đời sống tươi đẹp cho riêng cá nhân họ chứ đừng nói đến
việc thực hiện những công cuộc gì lớn lao có thể giúp ích cho xứ sở, cho nhân
loại.
Quyển “La Connaissanee Des Hommes” của Philippe Girardet mà chúng tôi đã
dịch và trình diện sau đây là một quyển sách thực tiễn. Tác giả vốn là một nhà
văn nhưng đã từng lăn lộn trong giới doanh nghiệp, gần gũi với thực tế nên
những sách ông soạn phần nhiều đều có tính cách thực tiễn. Dựa vào một lý
thuyết về cá tính con người của hai giáo sư F. Achille Delmas và Marcel Boll,
ông thử áp dụng thuyết ấy vào đời sống thực tiễn và theo lời ông thú nhận:
“Không lúc nào ông thấy nó sai”. Đặc biệt nhất là ông đã khéo trình bày một
vấn đề trừu tượng bằng một cách rất “sống”, ông đã khéo giảng giải một khoa
học khúc chiết một cách rất sáng sủa.