một mặt phẳng. Cái nằm ngoài các mặt đối lập, nếu có, phải được bàn
theo các mặt đối lập, và điều này có nghĩa là phải dùng ngôn ngữ so
sánh, ẩn dụ, và thần thoại.
Cái khó không chỉ là ngôn ngữ có tính nhị nguyên, chừng nào từ
ngữ còn là những cái nhãn để chỉ các nhóm loại trừ lẫn nhau. Vấn đề ở
chỗ NÓ là chính tôi nhiều hơn tôi tưởng, cốt yếu và cơ bản đối với sự
tồn tại của tôi, đến độ tôi không thể biến nó thành khách thể. Chẳng
làm sao mà đứng ngoài NÓ được, và, thực ra, không cần phải làm thế.
Vì chừng nào tôi còn đang cố hiểu thấu NÓ tức là tôi còn đang ngụ ý
rằng NÓ không thực sự là tôi. Nếu điều đó là có thể thì tôi đang đánh
mất cảm thức về nó khi cố gắng tìm ra nó. Đây là lý do mà những ai
thực sự biết mình là NÓ đều luôn nói rằng họ không hiểu nó, vì NÓ
hiểu cái hiểu - không phải ngược lại. Người ta không thể, và không cần,
đi sâu hơn cái sâu!
Nhưng không nên nhầm, như thường xảy ra, giữa thực tế là NÓ
vượt ra ngoài mọi mô tả, với sự mô tả NÓ như những ý niệm trừu
tượng hư ảo nhất trong mọi ý niệm trừu tượng, như một thể liên tục
trong suốt theo nghĩa đen hay đông sương vũ trụ vô định hình. Hình
ảnh cụ thể nhất của Chúa Cha, với chòm râu bạc và khoác kim bào, thì
hay hơn thế. Nhưng các nhà nghiên cứu phương Tây nghiên cứu triết
học và tôn giáo phương Đông cứ một hai buộc tội tín đồ Ấn giáo và
Phật giáo là tin vào một Thượng đế sền sệt không đường nét, chỉ vì các
tín đồ này cứ khăng khăng rằng mọi ý niệm hay hình ảnh khách quan
về NÓ đều là hư vô. Nhưng thuật ngữ “hư vô” dùng cho mọi ý niệm
như vậy, chứ không phải cho NÓ.
Thế nhưng khi nói và nghĩ về NÓ, chẳng có cách nào khác để khỏi
phải sử dụng những ý niệm và hình ảnh, và chuyện đó cũng chẳng hại
gì miễn là ta nhận ra cái mình đang làm. Tôn thờ thần tượng không
phải là sử dụng hình tượng, mà là nhầm nó với cái nó thể hiện, và về
mặt này thì những hình ảnh trong đầu và những sự trừu tượng cao quý
có thể còn xảo quyệt hơn những thần tượng bằng đồng.