thứ ba so với ba quả kia. Đây có thể gọi là “bài học vỡ lòng về tính
tương đối”, vì cho dù có thêm vào bao nhiêu quả bóng đi chăng nữa,
phương thức lập luận về cơ bản là không thay đổi và do vậy cách này
được áp dụng cho mọi thiên thể trong vũ trụ, cho tất thảy những kẻ
quan sát các thiên thể chuyển động, dù là đứng ở đâu. Bất kỳ thiên hà,
tinh cầu, hành tinh, hay kẻ quan sát nào cũng có thể được xem là điểm
quy chiếu trung tâm, tất cả mọi thứ đều là trung tâm trong tương quan
với vạn vật!
Nhưng trong lập luận trên, có một khả năng đã bị bỏ qua. Thử giả
sử rằng mấy quả bóng không hề chuyển động, mà là không gian giữa
chúng chuyển động. Suy cho cùng, chúng ta nói một khoảng cách (tức
không gian trống) tăng thêm hay giảm đi như thể khoảng cách đó là
một vật có thể di chuyển hay thay đổi. Đây chính là vấn đề của khái
niệm vũ trụ giãn nở. Các thiên hà khác đang tách xa thiên hà của chúng
ta, hay thiên hà của chúng ta đang tách xa chúng, hay tất cả đang tách
xa nhau? Các nhà thiên văn đang cố giải quyết vấn đề này bằng cách
nói chính không gian đang giãn nở. Nhưng, một lần nữa, ai sẽ phân xử?
Cái gì chuyển động, các thiên hà hay không gian? Chính thực tế rằng
không thể nào tiến tới quyết định là gợi ý cho câu trả lời: không chỉ cả
các thiên hà và không gian đều đang giãn nở (như thể chúng là hai yếu
tố khác biệt), mà thứ gì đó ta phải gọi một cách thô thiển là thiên
hà/không gian, hay vật thể/không gian, đang giãn nở.
Vấn đề nảy sinh vì chúng ta đặt sai câu hỏi. Chúng ta cho rằng vật
thể là một sự vật và không gian là một sự vật khác, hoặc chẳng là gì
hết. Không gian không đơn thuần là “chẳng là gì”, vì vật thể không thể
không cần tới không gian. Sai lầm ngay từ đầu là xem vật thể và không
gian như hai sự vật khác biệt, thay vì như hai mặt của cùng một sự vật.
Vấn đề ở chỗ chúng khác biệt nhưng không thể phân tách, như đầu và
đuôi của một con mèo. Chặt riêng từng bộ phận, con mèo sẽ chết. Lấy
đi đầu ngọn sóng, sẽ không còn hõm sóng.
Cũng tương tự như vậy, với vấn đề cổ xưa là luật nhân quả. Chúng
ta tin rằng mọi sự vật, mọi hiện tượng phải có nguyên nhân - là (những)