sự vật hay (những) hiện tượng nào đó khác, và rằng đến lượt mình thì
sự vật, hiện tượng khác đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những hệ quả
khác. Nhưng “nhân” dẫn đến “quả” như thế nào? Tình hình sẽ càng
thêm phức tạp, nếu giả dụ tất cả những gì tôi nghĩ hay làm là một chuỗi
các sự kiện có điều kiện, thế thì nhất định phải có các nguyên nhân cho
tất cả chúng, xuất phát đâu đó trong quá khứ vô định. Nếu như vậy, tôi
không hề tự do điều khiển hành động của mình. Tôi chỉ là một con rối
bị điều khiển bởi những sợi dây bắt nguồn từ những thời điểm trong
quá khứ nằm ngoài tầm nhìn của tôi.
Một lần nữa, lại là rắc rối do đặt sai câu hỏi. Hãy thử tưởng tượng
một người chưa thấy mèo bao giờ. Y đang nhìn qua một khe hẹp nơi
hàng rào, và ở bên kia, có con mèo đi ngang qua. Trước tiên y thấy cái
đầu, rồi lần lượt đến cái thân đầy lông, cuối cùng là cái đuôi. Lạ kỳ
thật! Con mèo quay đầu đi ngược lại, y liền thấy cái đầu, rồi lát sau là
cái đuôi. Sự lặp lại này bắt đầu trở nên giống như một quy luật đều đặn
và đáng tin cậy. Con mèo vòng trở lại, và thế là một lần nữa, y chứng
kiến chuỗi hình ảnh quen thuộc: trước tiên là đầu, sau đó đến đuôi. Bởi
vậy mà y suy luận rằng hiện tượng đầu là nguyên nhân bất biến và tất
yếu của hiện tượng đuôi, đuôi là hệ quả của đầu. Lối diễn giải phi lý và
rối rắm này là do y không thấy được thực tế là đầu và đuôi đi liền với
nhau: tất cả đều thuộc về một con mèo.
Con mèo sinh ra không phải chỉ có một cái đầu, rồi ít lâu sau cái
đầu tạo ra cái đuôi; con mèo sinh ra với đầy đủ các bộ phận, cả đầu và
đuôi. Cái khó cho kẻ quan sát là y nhìn con mèo qua một khe hẹp, nên
không thể thấy toàn thân con mèo cùng một lúc.
Cái khe hẹp nơi hàng rào tựa như cách ta nhìn cuộc sống bằng sự
chú ý có ý thức, vì khi tập trung theo dõi điều gì đó ta thường bỏ qua
mọi thứ khác. Sự chú tâm là tri giác đã được thu hẹp. Đó là cách nhìn
cuộc sống theo từng mảnh, dùng trí nhớ để xâu chuỗi các mảnh - như
khi ta thăm dò một căn phòng tối bằng cây đèn pin có chùm sáng nhỏ.
Tri giác đã được thu hẹp có lợi thế là sáng rõ, nhưng mỗi lúc lại chỉ có
thể tập trung vào từng phần của thế giới, từng đặc trưng riêng lẻ. Và khi