Mặt trời mà không tìm thấy sự sống nào. Họ bỏ qua vì “Chỉ là một
đống đá già cỗi thôi mà!” Nhưng nếu ngày nay họ quay lại, họ sẽ phải
xin lỗi: “À, rốt cuộc thì các anh là đá người!” Dĩ nhiên, có thể anh sẽ
cãi rằng giữa hai hoàn cảnh này không có sự tương đồng. Cây ăn trái đã
từng là một cái hạt bên trong một quả mận, nhưng còn Trái đất - chứ
chưa nói đến Thái Dương hệ hay thiên hà - không bao giờ là một hạt
bên trong một con người. Nhưng, lạ thay, có thể anh đã sai.
Tôi đã cố giải thích rằng mối liên hệ giữa một sinh vật và môi
trường của nó là hỗ tương, rằng không có cái nào trong hai cái là
“nhân” hay yếu tố quyết định cho cái kia vì sự sắp xếp giữa chúng là
phân cực. Vậy thì, nếu lý giải sinh vật và hành vi của nó theo góc độ
môi trường là có lý, thì cũng sẽ có lý khi lý giải môi trường theo góc độ
sinh vật. (Cho đến giờ tôi đã giấu điều này đi để không làm lẫn lộn khía
cạnh ban đầu của toàn cảnh.) Vì quan điểm rằng con người - và mọi
sinh thể khác - tạo nên môi trường của mình tự thân cũng có ý nghĩa
thực tế.
Toàn bộ tri thức của ta về thế giới, theo một nghĩa nào đó, là tự
biết mình. Vì biết là biến các sự kiện bên ngoài thành các quá trình cơ
thể, nhất là thành các trạng thái của hệ thần kinh và bộ não: ta biết thế
giới bằng cơ thể, và tương ứng với cấu trúc của cơ thể. Những phẫu
thuật chỉnh sửa hệ thần kinh, hay thậm chí chỉnh sửa các giác quan theo
một cấu trúc khác với cấu trúc của chúng ta, sẽ đem lại cho chúng ta
các kiểu tri giác khác nhau - cũng như kính hiển vi và kính viễn vọng
làm thay đổi tầm nhìn của mắt thường. Chẳng hạn, ong và các loài côn
trùng khác có mắt phân cực cho phép chúng phân biệt được vị trí của
Mặt trời bằng cách quan sát bất kỳ khoảng trời xanh nào. Nói cách
khác, vì mắt của chúng cấu trúc khác với mắt người, nên bầu trời mà
chúng thấy không phải là bầu trời ta thấy. Dơi và bồ câu đưa thư có
thiết bị cảm ứng tương tự như ra đa, và về mặt này chúng thấy “thực
tại” rõ hơn con người mà không cần đến các công cụ đặc biệt của con
người.