vũ trụ, như một nghệ sĩ chơi đàn hoặc gảy lên giai điệu từ những tơ đàn
câm nín.
Một ví dụ còn thuyết phục hơn nữa về sự tồn tại như một mối
tương quan là sự hình thành cầu vồng
. Vì cầu vồng chỉ xuất hiện khi
có một mối quan hệ tam giác nhất định giữa ba thành tố: mặt trời, độ
ẩm trong không khí và một người quan sát. Nếu cả ba thành tố này có
mặt, và nếu mối quan hệ góc giữa cả ba là chính xác thì khi ấy, và chỉ
khi ấy mới có hiện tượng “cầu vồng”. Dù có mờ nhạt đi nữa thì cầu
vồng cũng không phải là một ảo giác chủ quan. Nó có thể được kiểm
chứng bởi bất cứ người quan sát nào, dù mỗi người sẽ thấy nó ở một vị
trí có hơi khác nhau. Hồi còn bé, có lần tôi đã đạp xe đuổi theo tận
cùng cầu vồng và ngạc nhiên thấy nó cứ lùi đi. Điều đó giống như khi
ta cố hớt ánh trăng trên mặt nước. Hồi ấy tôi không hiểu rằng sẽ chẳng
có cầu vồng nào xuất hiện trừ phi Mặt trời, tôi, và trung tâm “vô hình”
của cầu vồng nằm trên cùng một đường thẳng, nên tôi đã thay đổi vị trí
biểu kiến của cầu vồng khi tôi di chuyển.
Thế thì, vấn đề là cần có một người quan sát ở đúng vị trí cầu
vồng mới hiện ra, cũng như hai thành tố kia, mặt trời và độ ẩm. Dĩ
nhiên, ta có thể nói rằng nếu mặt trời và một lượng độ ẩm nằm trong
mối tương quan cần có, giả dụ, trên biển, thì bất kỳ người quan sát nào
trên một con tàu dong buồm đứng thành hàng với chúng cũng sẽ thấy
cầu vồng. Nhưng ta cũng có thể nói rằng nếu một người quan sát và
mặt trời xếp thành hàng đúng cách thì sẽ có một cầu vồng nếu có độ ẩm
trong không khí!
Dù thế nào, nhóm điều kiện thứ nhất dường như cản trở chúng ta
cho rằng cầu vồng là có thực thậm chí khi không có người quan sát.
Nhưng nhóm điều kiện thứ hai, bằng cách loại trừ một “thực tại bên
ngoài” chắc chắn, đúng đắn, dường như lại chứng tỏ một sự thật hiển
nhiên rằng trong trường hợp đó, sẽ không có cầu vồng nào cả. Lý do
của sự khác biệt trong các phán đoán này rõ ràng: thần thoại khoa học
hiện đại của chúng ta muốn khẳng định mọi sự vật đều tồn tại tự thân,
một cách “khách quan”, dù có người quan sát hay không. Nó làm con