người càng hoang tưởng rằng họ thực sự không dính với thế giới, rằng
họ không có ảnh hưởng thực sự nào đối với thế giới cả, và rằng họ có
thể quan sát thực tại một cách độc lập, không làm nó biến đổi bởi sự
hiện diện của mình. Như vậy, câu chuyện hoang đường về thế giới vật
chất hiện thực và có thể cảm nhận được vẫn tồn tại đâu đó, không phụ
thuộc vào chúng ta, và song hành với một thần thoại khác, nói rằng mỗi
người quan sát là một ngã riêng biệt, “đương đầu” với một thực tại
khác y hoàn toàn.
Có lẽ ta có thể chấp nhận lập luận này mà không phản đối gì mấy
khi nó liên quan đến những thứ như cầu vồng và các phản ảnh, hoặc
các hiện tượng khác chưa bao giờ được coi là thực tại theo nghĩa đầy
đủ của ngôn từ. Nhưng sẽ ra sao, nếu chúng ta bỗng chợt nhận ra rằng
mình cũng ở đúng trong hoàn cảnh như thế, khi ta nhìn đá, núi, và các
vì sao? Mà tình huống này hoàn toàn tự nhiên. Chúng ta không phải
viện đến những thứ bí hiểm như tâm trí, linh hồn, hay tinh thần. Ta chỉ
đơn giản là đã bàn luận về mối tương tác giữa các dao động vật chất và
bộ não với các giác quan khác nhau của nó. Trong khi xem xét, chúng
ta đã kết luận rằng các sinh vật có não là phần không tách rời của mô
hình bao gồm cả hành tinh của chúng ta và các vì sao, và nếu không có
phần không thể thiếu này (hay cực của dòng điện) thì toàn thể vũ trụ sẽ
không hiển lộ, như cầu vồng không có những giọt nước li ti trên bầu
trời, hay không có người quan sát. Ta cưỡng lại lập luận này là do tâm
lý. Lập luận này khiến ta cảm thấy bất an vì nó đảo lộn hình ảnh ta
quen thuộc về thế giới, trong đó đá, trên tất cả, là biểu tượng về thực tại
vững chãi, không thể lay chuyển, và Đá Vĩnh cửu là ẩn dụ cho chính
Thượng đế. Trong những thần thoại thế kỷ 19, con người bị giáng cấp
thành một cái mầm nhỏ bé hết sức tầm thường trong một vũ trụ bao la
và vĩnh cửu. Đúng là một cú sốc quá lớn, một thay đổi quá đột ngột khi
ta nhận ra rằng chính cái mầm nhỏ nhoi có bộ não kỳ diệu ấy lại làm
hiển hiện toàn thể vạn vật, kể cả những tinh vân cách xa hàng triệu
triệu năm ánh sáng.