Tại sao trên sân khấu tuồng lại có những vai chạy hiệu?
Trên sân khấu tuồng Bắc Kinh có một số diễn viên mặc quần áo giống hệt nhau, đại khái cũng cao
bằng nhau, có những người thì đứng yên thành hàng chẳng động đậy gì cả, có những người lại giơ
những cái cờ chạy trên sân khấu mãi không dừng lại, hơn nữa không nói ra lời mà chỉ hô lên vài tiếng.
Các diễn viên này được người ta gọi là những vai "chạy hiệu” (bão long xáo). Thật ra "long xáo" cũng
là một loại vai trong tuồng, song họ lại diễn những nhân vật không có tính danh mà cũng không có lời
phải nói, vì thế không làm cho chúng ta chú ý. Tuy vậy tác dụng của họ trên sân khấu lại không phải là
nhỏ.
Trong ngành điện ảnh, mỗi diễn viên chỉ có thể đóng một vai, nếu có một trăm vai quần chúng thì sẽ
phải tìm ra một trăm người để diễn. Nhưng các "long xáo" 'thì quả là thần diệu, họ chỉ có bốn diễn
viên cùng ra sân khấu và được gọi là "nhất đường”, nhưng khi "nhất đường” cùng đứng một chỗ, thì họ
không phải chỉ là đại biểu cho vài người mà lại có thể tượng trưng cho hơn mười người, cho vài chục
người, thậm chí cho thiên binh vạn mã. Họ chạy trên sân khấu uy phong lẫm liệt, khi tướng soái ra
lệnh một tiếng thì các "long xáo" đóng vai sĩ binh nhất tề hô lên "A!", trên đầu có một người giương
cao ngọn cờ, đằng sau có vài anh chàng chạy theo, rồi cứ thế chạy trên sân khấu không dừng lại, và đã
biểu hiện được khí thế của hàng trăm, hàng ngàn binh mã.
Cách biểu diễn của các "long xáo” tuy là tương đối đơn giản, nhưng cũng có những đặc trưng riêng.
Đội hình, đường di chuyển, chỗ đứng và đạo cụ của họ đều biểu hiện rất nhiều ý nghĩa. Thí dụ: Chạy
vòng tròn trên sân khấu thì có nghĩa là thay địa điểm. Một xáo lên sân khấu, một xáo từ trên sân khấu
đi xuống thì như vậy có nghĩa là đang trên đường hành quân, nếu tay cầm thủy kì (cờ nước) chạy quanh
một lượt thì có nghĩa là sóng nước dâng cuồn cuộn. Các việc ấy thì diễn viên chính không sao làm
được, do đó "long xáo" cũng là một môn nghệ thuật không thể coi thường.
KHANG BÌNH