Tại sao đời xưa khi đại thần vào triều, trong tay phải cầm "hốt”?
Nếu đi xem những vở tuồng cổ, chúng ta thường thấy rằng khi các vị đại thần vào bái kiến hoàng đế,
hai tay họ bao giờ cũng nâng một cái thẻ dài, hẹp và ở giữa hơi cong. Tên gọi chính thức của các tấm
thẻ này là "hốt" cũng có khi gọi là "triều bảng". Vậy thì đại thần vào triều tại sao lại phải cầm "hốt"
trong tay?
Vốn là ngay từ những thời xa xưa nhất (trước cả đời Đông Hán), thiên tử, các vua chư hầu, các quan
đại phu cùng văn võ bá quan, khi vào triều trong tay bao giờ phải cầm một cái "hốt". Người nào cũng
đem những lời mình cần phải nói ghi trước vào cái "hốt" của mình, để khi lên triều khỏi quên. Chuyện
này cũng chẳng khác gì ngày nay chúng ta dùng sổ tay. Nhưng về sau, cả khi các quan đại thần chẳng
có việc gì phải tâu lên, không có việc gì phải ghi lên trên cái hốt, nhưng lúc vào triều, hai tay họ vẫn
cứ cầm hốt, điều này đã trở thành một quy củ và cái hốt đã trở thành một vật trang sức.
Ngoài ra, vì các quan viên có những địa vị và đẳng cấp khác nhau, cho nên những cái hốt mà mỗi
người cầm không phải đều y hệt như nhau tất cả. Hốt mà thiên tử cầm thì bằng ngọc, hốt của các quan
đại phu thì làm bằng xương cá, còn hốt của các kẻ sĩ thì làm bằng trúc. Như vậy cái hốt đã trở thành
nhãn hiệu cho đẳng cấp trong quan trường.
Trong lịch sử có ghi lại nhiều giai thoại về cái hốt. Chẳng hạn khi Đường Cao Tông muốn phế bỏ
hoàng hậu cũ để lập Võ Tắc Thiên làm hoàng hậu, ông ta bèn trưng cầu ý kiến của các quan đại thần.
Đại thần Gia Toại Lương đứng ra phản đối, nhưng vì không thể không phục tùng ý chỉ của hoàng đế,
cho nên chỉ còn có thể đặt cái hốt của mình đang cầm trong tay xuống thềm cung điện và nói. "Trả hốt
cho bệ hạ", để tỏ ý rằng mình thà không làm quan nữa chứ không chịu phục tùng.
HIỂU BA