Tại sao Thượng Hải là "Thân Thành” lại gọi tắt là "Hỗ"?
Trên báo chí Thượng Hải, người ta thường thấy viết: "ở Hỗ đã xảy ra chuyện này chuyện nọ", hoặc "ở
Thân Thành có chuyện nọ chuyện kia". Các tuyến đường sắt liên kết với Thượng Hải cũng được gọi là
"Hỗ Hàng Tuyến" (Tuyến Thượng Hải - Hàng Châu), "Hỗ Ninh Tuyến" (tuyến Thượng Hải - Ninh
Ba)... Mọi người đều biết rằng chữ "Hỗ” này là tên gọi tắt của Thượng Hải, còn "Thân Thành" là biệt
danh của Thượng Hải. Vậy thì tại sao Thượng Hải lại có những cái tên như thế?
Vốn là ngay từ thời Chiến Quốc (475- 221 trước Công nguyên), phần phía tây của thành phố Thượng
Hải ngày này đầu tiên thuộc về nước Việt, nhưng sau là do nước Sở cai quản. Nơi ấy đã từng là đất
phong cho một quý tộc nước Sở là Hoàng Hiết. Hoàng Hiết được gọi là Xuân Thân Quân, do đó
Thượng Hải lại có biệt danh là "Thân" hay "Xuân Thân".
Sang đến đời nhà Tấn, dân chúng sống trên dải sông Tô Châu và Tân Hải ở Thượng Hải phần nhiều
làm nghề đánh cá. Họ dùng tre đan thành một thứ dụng cụ gọi là “hỗ” rồi úp xuống nước, nước triều
lên thì những cái hỗ này bị ngập, và đến khi nước triều xuống lại lộ ra. Lại vì chỗ nước sông chảy ra
biển được gọi là "độc", cho nên cả một dải vùng hạ du sông Tô Châu đều gọi là "Hỗ Độc". Vì chữ
"hỗ" (viết với chữ "hộ trên chữ "ấp", chỉ dụng cụ đánh cá) và chữ "hỗ" (viết với chữ "hộ" có bộ thủy
dùng để chỉ Thượng Hải) đồng âm với nhau, cho nên cái tên "hỗ độc" được gọi tắt là "hỗ" (viết với
chữ "hộ" có bộ thủy). Đó là nguyên nhân làm cho Thượng Hải được gọi tắt là "Hỗ".
TẠ BỘI TRÂN